Theo các công ty chứng khoán, không ít đối tượng lừa đảo - chủ các "room", kêu gọi đầu tư với cam kết lợi nhuận khủng - từng là nhân viên môi giới hay chuyên viên phân tích công ty chứng khoán, thậm chí là nhà đầu tư lâu năm, có kinh nghiệm đầu tư.
Dựa trên sự hiểu biết, thông tin lượm lặt đâu đó, phân tích đánh giá cổ phiếu để lấy lòng tin của nhà đầu tư nhằm mục đích lừa đảo.
Mất tiền khi vào hội nhóm "siêu lợi nhuận"
Trong khi lướt Facebook, ông V.V.P. (41 tuổi, Hải Dương) tình cờ đọc được một mẩu quảng cáo đầu tư chứng khoán với cam kết "một vốn rất nhiều lời". Tò mò nhắn tin, ông P. được quản trị trang giới thiệu tỉ mỉ cách tham gia đầu tư. Chưa từng đầu tư chứng khoán, lại được giới thiệu một cách hấp dẫn, ông P. quyết định thử vận may và đóng 300.000 đồng phí mở tài khoản.
Ngay sau đó, nhà đầu tư này được mời vào một nhóm Telegram với hàng nghìn thành viên. "Lúc đầu còn bán tín bán nghi, nhưng sau khi vào nhóm, thấy nhiều nhà đầu tư khác khoe kiếm được tiền tỉ, còn quay cả video khóc lóc cám ơn "thầy" thì tôi đã rất tin tưởng. Tôi chọn gói đầu tư nộp 300 triệu đồng, lãi cam kết gấp 32 lần, tức sẽ nhận về 9,6 tỉ đồng và có bảo hiểm thua lỗ", ông P. kể.
Sau chưa đến bảy ngày tham gia hội nhóm này, ông P. đã nộp tổng cộng hơn 500 triệu đồng vào tài khoản một người tự xưng là "thầy" chứng khoán Nguyễn Quốc Huy. Trong đó, 300 triệu đồng là số vốn đầu tư ban đầu và hơn 200 triệu đồng còn lại là số tiền phải nộp thêm "để có thể rút được cả gốc lẫn lãi". Cách thức của nhóm này là ban đầu để nhà đầu tư nhận được lãi đều đặn, nhưng không cho rút.
"Bị chặn ở mọi kênh liên lạc, đến giờ tôi không có cách nào liên lạc được với họ. Tất cả hợp đồng đầu tư, giấy chứng nhận bảo hiểm đầu tư... đều như mớ giấy lộn", ông P. kể lại.
Trong thực tế, chiêu thức dụ dỗ nhà đầu tư vào hội nhóm với cả loạt "chân gỗ" liên tục tung hô, khoe lãi khi đầu tư... không mới, từng đưa nhiều người vào bẫy. Dù dư luận liên tục lên tiếng cảnh báo, nhưng chiêu lừa này vẫn còn hiệu quả để dụ dỗ các nhà đầu tư "non trẻ".
Ông Đỗ Lân (35 tuổi, Hà Nội), một nhà đầu tư chứng khoán, cho biết liên tục nhận được lời mời tham gia các hội nhóm. Thử tham gia một "room" Zalo có tên "Hành trình đến tự do tài chính", nhà đầu tư này cho biết rất nhiều lời mời hấp dẫn được đưa ra như: mua cổ phiếu giá rẻ hơn thị trường, nhận tin "nội bộ"...
Khi thắc mắc một số vấn đề để kiểm tra lại độ xác thực, nhà đầu tư này ngay lập tức bị "chủ room" "kích" khỏi nhóm.
Thậm chí, khi đang dừng xe chờ đèn đỏ tại một ngã tư, chị Nguyên Minh (33 tuổi, TP.HCM) bất ngờ nhận được namecard từ một số người tự xưng là nhân viên công ty chứng khoán. Theo cam kết của những nhân viên này, nhà đầu tư sẽ thu lãi đều đặn tới 1,2 triệu đồng mỗi ngày, bảo hiểm vốn 100%, có chuyên gia hướng dẫn 24/7, hưởng hoa hồng 30% khi mời bạn bè tham gia...
"Do từng nghe về những chiêu thức lừa đảo của các đối tượng nên tôi từ chối tham gia", chị Minh kể.
Kẻ lừa đảo từng là dân trong nghề chứng khoán
Trong hợp đồng cam kết đầu tư được ông P. cung cấp, có chữ ký con dấu của Công ty CP chứng khoán Vietcap. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ, phía công ty này khẳng định không có "nhân viên nào tên Nguyễn Quốc Huy" và mọi thông tin về con dấu, tổ chức trong hợp đồng đều là giả mạo. Trong khi số điện thoại của "thầy" Nguyễn Quốc Huy do ông P. cung cấp vẫn đổ chuông nhưng không ai bắt máy.
"Thời gian gần đây liên tục xuất hiện hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên công ty với những hành vi như mời gọi vay tín chấp, giao dịch trên sàn ảo, tiêu biểu là Nasdaqvn, hướng dẫn khách hàng kiếm thêm thu nhập, mời họ tham gia nhóm "Đầu tư phát triển 4.0", lừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư. Sau đó, lừa khách hàng nộp tiền vào các ứng dụng ảo, tài khoản giả mạo để đầu tư, trước khi kẻ lừa đảo rút sạch tiền", một lãnh đạo của Vietcap nói.
Không riêng Vietcap, thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán cũng liên tục đưa ra cảnh báo khách hàng, nhà đầu tư, tránh rơi vào cạm bẫy lừa đảo. Theo đại diện Chứng khoán SSI, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, logo, thông tin, địa chỉ thật của công ty để đưa lên các website, fanpage và ứng dụng mạo danh với nhiều tên gọi như: SSI Finance, Hỗ trợ tài chính tín chấp 379, Hỗ trợ vay vốn SSI 24/24 giờ, Công ty TNHH chứng khoán SSSI Hà Nội...
Ông Trương Hiền Phương, giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết việc giả danh để lập hội nhóm chứng khoán đang là "vấn nạn" hiện nay, khiến thị trường phần nào bị méo mó, nhà đầu tư mất niềm tin. Để lấy lòng tin của nhà đầu tư, nhiều người tự xưng "thầy" trong các hội nhóm bằng mối quan hệ hoặc cách nào đó đưa ra thông tin "sớm".
"Không ít các chủ "room" từng là nhân viên môi giới hay chuyên viên phân tích công ty chứng khoán, thậm chí là nhà đầu tư lâu năm, cũng có kinh nghiệm đầu tư. Dựa trên sự hiểu biết, thông tin lượm lặt đâu đó, phân tích đánh giá cổ phiếu để lấy lòng tin của nhà đầu tư", ông Phương nói và cho biết khi thị trường có xu hướng "up trend", tỉ lệ "thắng" có xác suất cao nên dễ chiếm lòng tin của nhà đầu tư.
"Khi cả nhóm được hô hào bán ra cùng một thời điểm, giá cổ phiếu bị giảm là điều tất yếu. Cứ như thế, các nhà đầu tư sẽ thấy các room tư vấn (mà thực chất là xúi giục, hô hào) luôn luôn đúng hay hiệu quả như lời đồn, lời mời gọi. Nhà đầu tư bị dẫn dắt tâm lý, đến một lúc nào đó các chủ room sẽ điều khiển hành vi mua bán của các nhà đầu tư theo ý đồ của họ", ông Phương cảnh báo.
* Bà Trần Thị Khánh Hiền (giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB): Thận trọng với những cam kết lợi nhuận khủng
Không có công ty chứng khoán chính thống, uy tín nào cam kết lãi cho nhà đầu tư. Nếu có đối tượng nào nhận cam kết đầu tư là lãi, siêu lãi, nhà đầu tư cần cẩn trọng.
Rất nhiều hình thức lừa đảo, nhưng đặc điểm chung vẫn là đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nhà đầu tư.
Các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi nhưng nếu cảnh giác, nhà đầu tư sẽ không rơi vào bẫy. Chẳng hạn, đến nay chứng khoán VN vẫn chưa cho phép giao dịch T+0.
Do đó, việc các mã chứng khoán được quảng cáo là sẽ mua với giá thấp hơn giá niêm yết trên sàn cơ sở, cộng với việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân... đều là những dấu hiệu lừa đảo cần được chú ý.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán chủ yếu thành lập các "room" cộng đồng miễn phí, nơi nhà đầu tư được hỗ trợ về kỹ thuật và có diễn đàn để chia sẻ chứ không hô hào mua bán cổ phiếu. Các công ty chứng khoán cũng không có "chuyên gia báo lệnh" hay triển khai các hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư" với lợi nhuận cam kết "trên trời".
Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các "room" chat hô hào ba chữ cái, khoe lãi liên tục, đưa thông tin giật gân chưa được kiểm chứng... để không bị các đối tượng mạo danh lừa đảo.
Xử nghiêm hành vi hô hào, lôi kéo, thao túng chứng khoán
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết vừa nhận được báo cáo của công ty chứng khoán về việc một số cá nhân giả mạo nhân viên rồi lập hội nhóm Zalo nhằm dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Một số tên nhóm được thống kê như: Nhóm Zalo "A221 - Giao lưu phân tích đầu tư chứng khoán"; "YY03 - Xu hướng thị trường chứng khoán" nhằm dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của cơ quan này khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat. Các hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tăng cường theo dõi, xử lý thông tin trên không gian mạng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra, truy vết và xử lý các tin đồn thất thiệt thu lợi bất chính trên thị trường chứng khoán; các tổ chức, cá nhân hô hào, lôi kéo nhà đầu tư mua bán thao túng thị trường chứng khoán để xử lý nghiêm theo quy định", vị này cho biết.
Mạo danh để lập các nhóm có thu phí, gom tiền tỉ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết vừa gửi hàng loạt bằng chứng, tư liệu thu thập từ các nhóm giả mạo sang cơ quan điều tra công an. Theo vị này, các đối tượng liên tục lập nhóm Zalo, Telegram..., sau đó lấy hình ảnh đại diện tổng giám đốc, giám đốc công ty để tăng độ uy tín, mời chào thành viên tham gia.
Rất nhiều hội nhóm được lập ra, thành viên tham gia cũng rất đông đảo, lên tới vài nghìn người mỗi nhóm. Ngoài mục đích lừa khách hàng nộp tiền vào các ứng dụng ảo, một số hình thức phổ biến khác được các nhóm này sử dụng: lập nhóm tư vấn, phân tích để thu phí; hô hào mua cổ phiếu.
"Các nhóm chỉ thu khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng, nhóm vài nghìn người số tiền thu được có thể cả tỉ đồng", vị lãnh đạo nói.
Dễ sa vào bẫy lừa nếu muốn kiếm lời nhanh
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn về tài chính ngân hàng Công ty CP Giải pháp tài chính tích hợp, khẳng định chứng khoán không thể sinh lời quá lớn như cách mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Việc kỳ vọng không phù hợp về mức sinh lời khi đầu tư có thể khiến nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy gian lận và thao túng. "Chứng khoán không phải là cờ bạc, nó là kênh huy động vốn của doanh nghiệp, không thể trong thời gian ngắn mà tăng bằng lần được", ông Ân khẳng định.