Đóng cửa phiên giao dịch 6/4, chỉ số VN-Index tăng 2,87 điểm (0,19%) lên 1.522,9 điểm; trong khi HNX-Index giảm 2,03% xuống 446,83 điểm và UPCom-Index giảm 0,87% xuống 116,68 điểm.
VN-Index tăng 2,87 điểm (0,19%) lên 1.522,9 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 35.000 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, dòng tiền có sự dịch chuyển giữa các nhóm ngành. Nhóm cổ phiếu Bluechips như FPT, MWG, BVH, HPG, MSN, REE, SAB, DGC…cùng các cổ phiếu ngân hàng ACB, BID, CTG, EIB, MBB, VPB, VIB, TCB, TPB, MSB, SHB…bứt phá mạnh và là động lực chính giúp thị trường tăng điểm.
Các cổ phiếu Vật liệu xây dựng như Thép (HPG, HSG, NKG, SMC, VGS…) hay Xi măng (BCC, BTS, CLH, HT1, HVX…) cũng tăng điểm khá tích cực.
Bên cạnh đó, nhóm Chứng khoán cũng có phiên giao dịch tương đối tích cực với BVS, CTS, MBS, VND, FTS, tăng điểm.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng là đối tượng chịu áp lực chốt lời mạnh trong phiên hôm nay với hàng loạt mã giảm sâu, nhiều mã giảm sàn như HUT, HQC, FLC, ASM, DIG, VGC…
Đáng chú ý trong phiên hôm nay, các cổ phiếu "họ" FLC, DNP, Louis, Gelex có phiên giảm khá mạnh, không ít cổ phiếu trong đó giảm sàn.
Như cổ phiếu GEX, sáng sớm hôm nay tên tuổi của ông chủ Gelex Nguyễn Văn Tuấn đã bị nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội "réo tên" với khả năng thực hiện các thương vụ M&A và huy động trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư "ôm" mã này cũng không khỏi lo lắng.
Nhiều cổ phiếu "ông lớn" giảm khá mạnh.
Chốt phiên GEX giảm tới 6,5% về mốc 37.400 đồng/cổ phiếu. Có những lúc gần như giảm sàn. Toàn phiên có gần 48 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Đến cuối phiên lượng dư mua cũng như dư bán còn khá nhiều.
DIG cũng là một trong những mã bất động sản giảm sàn trong phiên hôm nay. Chốt phiên DIG giảm gần 7% về mốc 87.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên cũng đạt tới hơn 13 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu FLC hôm nay cũng giảm sàn. Chốt phiên FLC giảm 6,61% về mốc 10.600 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng đạt hơn 53,2 triệu cổ. Cuối phiên vẫn còn nhiều dư bán.
Có thể thấy, thời gian gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện tiêu cực như Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam khi thao túng giá cổ phiếu hay việc hủy phát hành 9 lô trái phiếu giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các công ty thành viên.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển an toàn, bền vững.
Bộ Tài chính nhận định, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Do đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu…
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.