Trong bài viết tiếp theo của mình trên New York Times, nữ tác giả Jennifer Bleyer đã mô tả về những trải nghiệm đầy màu sắc đến từ trang phục của những người phụ nữ H'mong, cũng như màu vàng của những luống ngô xen kẽ giữa cao nguyên đá.
Khung cảnh siêu thực ở cao nguyên đá
Nếu như khi chúng tôi đến vào tối hôm trước, Đồng Văn vô cùng yên tĩnh thì sáng hôm sau, thị trấn này bừng lên sức sống vào lúc bình minh. Những người phụ nữ H'mong với những chiếc khăn đội đầu màu xanh lá cây và hồng sặc sỡ bước xuống từ những ngôi nhà sàn, mang theo những chiếc gùi tre nặng trĩu ngô và rau đến chợ thị trấn. Những người dân bận rộn mua bán thuốc lá, trà. Những người nông dân dắt trâu đi quanh chợ.
Màu sắc rực rỡ trong trang phục của người vùng cao (Ảnh: NYT)
Chúng tôi nán lại bên trong một ngôi nhà có tuổi đời hàng thế kỷ nay đã thành quán Café Phố Cổ, thưởng thức sinh tố xoài và cà phê đậm đà, trước khi quay trở lại chợ để tìm mua bữa sáng. Chúng tôi mua những gói xôi đậu đen được bọc trong lá và buộc lại xinh xắn; và tào phớ nóng. Một đặc sản nữa của người H'mong là bánh ngô với màu vàng hấp dẫn.
Cao nguyên đá Đồng Văn (Ảnh: Vietnamtourism)
Sua, một phụ nữ trẻ người Mông trắng làm việc tại khách sạn, đã lên kế hoạch đưa chúng tôi đi tham quan. Mặc chiếc váy gai dệt tay truyền thống và chiếc khăn đội đầu màu xanh chàm, Sua, không nói tiếng Anh, thông báo cho chúng tôi về kế hoạch bằng cách mỉm cười và gõ một cụm từ tiếng Việt trên điện thoại di động, được dịch lại là: "Tôi sẽ dẫn các bạn đi qua con đường mòn nhỏ xinh".
Trong 5 giờ đồng hồ, chúng tôi theo chân Sua vào những ngọn đồi, vừa đi vừa lấm lem mồ hôi trên những con đường mòn hẹp, dốc đan chằng chịt. Đây cũng là lối đi hàng ngày của người dân địa phương qua những xóm và ruộng.
Khung cảnh hùng vĩ ở Đồng Văn (Ảnh: Vietnamplus)
Đây chắc chắn là một đoạn trải nghiệm đáng giá. Sau khi đi qua một con dốc nghiêng ra khỏi ngôi làng, ngay lập tức hiện ra trước mắt chúng tôi là một bức tranh toàn cảnh các ngọn núi đá vôi, tạo nên cảnh tượng như những hộp trứng khổng lồ lộn ngược. Tôi phải nói rằng đó một khung cảnh siêu thực: những ngọn núi hình nón, tháp, kim tự tháp… đan xen trước mắt chúng tôi.
Những bắp ngô mọc lên giữa những núi đá. Việc canh tác của các gia đình nơi đây gắn chặt với cao nguyên đá. Thi thoảng, những đốm sáng màu đỏ và xanh lục từ trang phục rực rỡ của những người phụ nữ H'mong thấp thoáng giữa những tảng đá, khi họ đi thăm ruộng nương.
Trang phục sặc sỡ của người phụ nữ H'mong tại một phiên chợ ở Hà Giang (Ảnh: NYT)
Khi đi ngang qua một ngôi nhà trình tường, chúng tôi nghe thấy tiếng tụng kinh và tiếng cồng chiêng. Sua nói với chúng tôi rằng vừa có người vừa qua đời, và một thầy cúng đang làm lễ thanh tẩy ngôi nhà.
Phiên chợ bên nồi thắng cố và bát rượu ngô
Sau chuyến thăm quan với Sua, Tuan Anh chở chúng tôi đến gần thị trấn Sà Phìn nhỏ bé, cách Đồng Văn 16km về phía Tây.
Cách đây khoảng 100 năm, vua Mèo đã chọn một ngọn đồi ở đây để xây dinh thự. Hình dáng tương đối thoai thoải, giống như chiếc mai rùa của ngọn đồi được thầy bói cho là điềm lành.
"Thầy bói nói rằng nếu ông xây nhà ở đây, ông sẽ trị vì mãi mãi", Tuan Anh kể.
Tuy nhiên, bất chấp lời tiên đoán của thầy bói, quyền lực của Vương tộc đã không còn, nhưng dinh thự này vẫn được bảo tồn như một viện bảo tàng đẹp đẽ.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường sớm cho chặng cuối cùng của hành trình khám phá Hà Giang: chặng đường khoảng 20km từ Đồng Văn đến thị trấn Mèo Vạc. Được xây dựng bắt đầu vào năm 1959, con đường nối hai thị trấn nằm bên một hẻm núi lớn và không dành cho những người "yếu tim".
Tuan Anh lái chiếc xe tải của mình từ từ khi chúng tôi bị thu hút vào dòng Nho Quế, ở dưới đáy hẻm núi cao. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông chỉ nhỏ như một sợi đất. Con đường lên và xuống, ngoằn ngoèo và cao vút. Các gia đình người Mông và người Tày đi xe máy sau chúng tôi, không một chút bối rối trước những du khách đang "ngất ngư" vì chóng mặt.
Ảnh: NYT
Trên hành trình trở lại, chúng tôi đi qua Lũng Phìn, nơi có một phiên chợ vùng cao khác. Tuan Anh làm chúng tôi thích thú khi kể về chợ phiên ở đây. Hàng nghìn người từ nhiều bộ tộc trong vùng tụ họp và buôn bán ở đây, từ yên ngựa, nấm khô, lạp xưởng, muồng trâu, thảo quả, giày nhựa và chỉ thêu... Tất cả được mua bán cùng với những câu chuyện phiếm, bên những nồi thắng cố và rượu ngô.
"Lần sau đến đây, các bạn nhất định phải đi xem", Tuan Anh nói.
Chúng tôi gật đầu, ngập tràn những tưởng tượng sẽ trở lại vào một ngày nào đó.