Công nghệ

DTS: "90% doanh nghiệp blockchain mất kiểm soát nguồn vốn"

Nhận định được ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch DTS Group đưa ra tại talkshow "Giải pháp nhân sự thị trường Blockchain" tại Hà Nội ngày 9/1. Tại đây. các chuyên gia nhìn nhận Việt Nam là một trong những điểm đến và thị trường quan trọng của blockchain thế giới. Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ tài chính, pháp lý, hoạt động, nhân sự,... sẽ giúp startup có thêm cơ hội làm nổi bật mình giữa thị trường đầy cạnh tranh này.

Theo ông Bảo, các dự án blockchain hiện nay thường có hai giai đoạn gồm trước IDO và sau IDO. Trong đó, một giai đoạn tập trung vào hoạt động gọi vốn và một giai đoạn tập trung vào việc vận hành doanh nghiệp. Hai giai đoạn này đều cần phát triển một cách bền vững. "Các công ty, dự án cần có sự minh bạch, cam kết trong sử dụng vốn gọi cộng đồng và có sự nhạy cảm với thị trường để kiểm soát những rủi ro truyền thông. Trong mùa khó khăn của thị trường blockchain, hơn 90% doanh nghiệp mất kiểm soát với nguồn vốn của chính mình", ông Bảo nói.

Khó khăn thứ hai, theo ông Bảo là các doanh nghiệp thiếu khả năng quyết định việc triển khai chuyển đổi số. "Hầu hết các doanh nghiệp đang biết phải chuyển đổi số chứ vẫn chưa biết bắt đầu thế nào, từ đâu. Một phần do thị trường không có lực lượng tư vấn chuyển đổi số để giải quyết nhu cầu rất lớn này", ông Bảo nêu.

Khó khăn kế tiếp là vấn đề về nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Ở các thành phố lớn, vấn đề là chi phí cho lực lượng này cao do nhân sự khan hiếm. Trong khi đó, thị trường tỉnh gần như không có lực lượng này. Lúc này, tư duy lãnh đạo đã thay đổi nhưng lại khan hiếm lực lượng triển khai nên việc chuyển đổi số cũng không triển khai được. Thị trường chuyển đổi số vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân sự.

Bên cạnh đó ngành blockchain còn đối mặt với việc thiếu sự kết nối trong mặt quản lý nhân sự. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là vì cách thức hoạt động của doanh nghiệp blockchain khác với các công ty truyền thống. Nếu không có một kế hoạch chính xác, việc thu hút nguồn tài chính sẽ không đủ dể hoạt động.

Diễn giả chia sẻ tại talkshow về ngành blockchain. Ảnh: DTS

Diễn giả chia sẻ tại talkshow về ngành blockchain. Ảnh: DTS

Ông Bảo chia sẻ cách thức hoạt động và vòng lặp sai hướng của một doanh nghiệp blockchain hiện nay thường sẽ diễn ra như sau: Doanh nghiệp blockchain được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu tiên - công ty sẽ theo mô hình gọi vốn, giai đoạn hai – doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty thông thường. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc đổi mô hình sau khi gọi vốn. "Các kế hoạch tài chính đi sai hướng, lỏng lẻo trong các hoạt động. Khi thị trường downtrend, các dự án blockchain bị mất thanh khoản trên thị trường tài chính. Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến việc các doanh nghiệp blockchain hiện nay mất chỗ đứng trên thị trường", ông Bảo nói.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các dự án khi đã có đầy đủ nhân sự, phần lớn đều mong muốn nhận được khoản đầu tư tốt để phát triển ý tưởng và công việc kinh doanh. Người gọi vốn tại các doanh nghiệp này thường là CEO hoặc là Founder. Để tăng tỷ lệ thành công trong việc gọi vốn, những ‘người dẫn đầu’ đều phải nỗ lực và có chiến lược tốt. Ông Trương Gia Bảo đánh giá ngoài ý tưởng tốt, định giá dự án chính xác thì cách người ‘sếp’ lên kế hoạch kinh doanh cùng sự tự tin cũng là yếu tố quyết định việc rót vốn của nhà đầu tư.

Các startup cần biết tìm nhà đầu tư thực sự phù hợp với doanh nghiệp. Theo chuyên gia, việc cộng tác với một nhà đầu tư giống như đồng hành cùng một người bạn. Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển đúng hướng khi chọn được người đồng hành có chung chí hướng, mục đích cũng như có sự tôn trọng nhau mối quan hệ hợp tác thay vì chỉ biết rót tiền – nhận tiền.

Ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh blockchain Việt Nam (VBU) cho rằng người hoạt động trong ngành blockchain nên chủ động với việc học, tìm thông tin trên internet, các khoá học dài và ngắn hạn. Trong đó, các diễn đàn công nghệ cũng là một nguồn để các cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm kiến thức và các chuyên gia trong lĩnh vực này. "Theo tôi hai kĩ năng quan trọng nhất trong ngành này chính là kĩ năng tự học và kĩ năng giải quyết vấn đề", ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trương Gia Bảo đánh giá trong ngành công nghiệp blockchain, tư duy "công dân toàn cầu" là cần thiết đối với các lãnh đạo cũng như thành viên dự án. Nhân sự cần xác định có thể làm việc ở mọi nơi trên thế giới để tăng cường ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa nhiều quốc gia, chấp nhận lịch trình đa múi giờ. "Các chủ dự án cũng cần chấp nhận xu thế làm việc remote và tuyển dụng những nhân dự có tinh thần làm chủ. Việc ứng dụng các mô hình như OKR và KPI cũng sẽ là điều cần thiết", ông Bảo nói.

Cũng tại talkshow, các chuyên gia đã nhận định về mức lương của nhân sự trong ngành. Nhiều chuyên gia khẳng định người trẻ thiếu kinh nghiệm không còn là một vấn đề quá lớn, vì nhiều người đã bắt đầu tham gia thị trường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sinh viên mới ra trường có thể kiếm được 500 - 800 USD. Nhân sự một đến hai năm kinh nghiệm là 1.500 – 2.500 USD. Mức lương sẽ tăng lên trong vài năm theo sự phát triển của ngành.

Talkshow "Giải pháp nhân sự Thị trường Blockchain" là chương trình nằm trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Công ty Lcademy. Lcademy là đơn vị đào tạo và cung cấp nhân sự blockchain, hỗ trợ đào tạo hàng trăm nhân sự cho các vị trí quản lý, đáp ứng nhu cầu ngành blockchain tại Việt Nam và khu vực.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm