Theo báo cáo công bố mới đây của Dragon Capital, thị trường tháng 12 giao dịch khá trầm lắng so với tháng trước. VN-Index giao dịch trong biên độ hẹp khoảng 5% và đóng cửa ở mức 1.007 điểm, giảm 3,9% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 0,65% tính theo USD.
Khối ngoại duy trì đà mua ròng mạnh tháng thứ hai liên tiếp cho thấy dấu hiệu đảo chiều về tâm lý khá vững vàng. Tổng giá trị mua ròng đạt 572 triệu USD, trong đó 221 triệu USD đến từ các quỹ ETFs như Fubon, VanEck, FTSE và iShares. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại có diễn biến trái chiều khi sụt giảm trong hai tuần cuối tháng trước thềm nghỉ lễ nhưng vẫn tăng 4% so với tháng trước.
VN-Index kết thúc năm với mức giảm 32,7%, đồng pha với đà giảm của các thị trường chứng khoán toàn cầu do các biến động vĩ mô tiêu cực cũng như các yếu tố nội tại bao gồm thắt chặt tín dụng và quy định mới khiến nhà đầu tư cá nhân lo ngại. Trong bối cảnh giá đã giảm mạnh và định giá trở nên hấp dẫn, thị trường vẫn cần phải vượt qua hạn chế về tính thanh khoản từ thị trường trái phiếu.
"Nhận thấy tình trạng cấp bách nói trên là mối lo ngại lớn đối với cả nhà đầu tư và doanh nghiệp, chính phủ đang tích cực xem xét sửa đổi Nghị định 65, qua đó nới lỏng các yêu cầu đối với nhà đầu tư và tổ chức phát hành trái phiếu.
Điều này có thể xảy ra dưới hình thức trì hoãn yêu cầu về tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp cho đến năm 2024, từ đó khiến thị trường trái phiếu trở nên dễ tiếp cận hơn. Và sẽ giảm bớt áp lực đối với ngành ngân hàng trong việc cấp tín dụng mới, đồng thời giúp ngành bất động sản trở nên sôi động hơn", báo cáo chỉ ra.
Theo nhóm phân tích của Dragon Capital, trước thềm nghỉ Tết, thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ thấp khi nhà đầu tư cá nhân ở vị thế phòng thủ và chờ qua Tết để giải ngân. Trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ diễn biến đồng pha với thị trường thế giới, ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính sách lãi suất của Fed, Trung Quốc mở cửa và xung đột toàn cầu.
Bên cạnh đó, mùa kết quả kinh doanh quý IV đang đến gần, lợi nhuận có khả năng sẽ phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành và có thể không tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư.
"Nhìn qua 2023, tiếp cận thị trường một cách thận trọng là điều nên làm, tuy nhiên với tăng trưởng GDP và lạm phát đáng khích lệ, cùng với kỳ vọng nới lỏng của Nghị định 65, triển vọng thị trường chứng khoán có thể tích cực hơn vào nửa sau năm 2023".