Phong cách sống

Người trẻ "sợ Tết": Tranh thủ kiếm tiền ngày Tết

Và họ chọn ở lại thành phố, tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập để tích lũy ngay trong những ngày nghỉ.

"Sợ Tết" vì bỗng dưng thất nghiệp

Thế Hưng (29 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) vẫn rất sốc khi đột ngột mất việc. Đã 5 năm làm nhân viên kinh doanh lĩnh vực bất động sản, Hưng vẫn chưa tin khi một sáng đầu tháng 10, lúc chuẩn bị đi làm thì nhận được quyết định cho thôi việc. Lý do công ty gặp khó, buộc cắt giảm nhân sự.

"Biết công ty khó khăn, mình chia sẻ bằng việc đồng ý giảm lương, nhưng cho nghỉ đột ngột quá nên trở tay không kịp", anh Hưng kể.

Dù đã gửi CV đến nhiều chỗ nhưng đến nay anh vẫn chưa có công việc mới. Tết đến nơi nhưng lại xa vời vợi bởi lúc này riêng tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống cũng đủ chật vật rồi. "Tôi vẫn đang nhờ vào hai tháng lương công ty đền bù vì đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bao lần tính về quê mà không đủ can đảm, Tết này chắc ở lại", Hưng nói.

Là kỹ sư xây dựng từng nhận lương cả ngàn USD mỗi tháng nhưng Lê Văn Nhân (28 tuổi, TP Thủ Đức) vẫn chưa biết tính sao: nên ở lại TP.HCM chạy xe ôm hay về Huế đón Tết cùng gia đình. May mắn chưa bị thất nghiệp như một số đồng nghiệp khác nhưng thu nhập của Nhân hiện đã giảm hơn 50%.

Nhẩm tính cặp vé bay khứ hồi Huế - TP.HCM dịp này chừng 8 triệu đồng, rồi tiền đưa bố mẹ và các em mua sắm Tết, quà cáp... khiến Nhân "chóng mặt". "Giảm lương cũng tạm chịu, nhưng công ty đã nợ hơn ba tháng lương và vẫn hẹn, chưa biết có trả được trước Tết không. Định Tết này ở lại TP chạy xe ôm", Nhân rầu rĩ.

Tìm việc làm thêm

Hoàng Trọng Đạt (19 tuổi, quê Kon Tum) cho biết trước Tết một tháng đã nộp đơn vào vị trí bảo vệ cho một trung tâm thương mại ở quận 1 (TP.HCM). Công việc sẽ kéo dài đến sau mùng 10 Tết, tức khoảng 40 ngày, với mức lương 8,5 triệu đồng/tháng và tăng 400% vào các ngày trực Tết (27 tháng chạp đến mùng 6 Tết). Đạt nhẩm tính: "Nếu cố gắng thì qua Tết có được gần 20 triệu đồng, một số tiền lớn sẽ giải quyết được nhiều thứ trong năm tới nên tôi quyết tâm ở lại chứ không về Tết".

Hai năm lên Sài Gòn trọ học cũng là hai mùa Tết xa nhà. Dịch bệnh càng khiến tình cảnh gia đình thêm khó. Mẹ lại thường xuyên ốm đau, cha hằng ngày đi phụ hồ, Đạt còn hai đứa em nên làm thêm xuyên Tết là cách duy nhất lúc này giúp đường học của bạn bớt gập ghềnh. "Mẹ gọi điện khóc bảo về nhà có gì ăn đó, nhưng sau Tết mình muốn học đôn thêm ít học phần, học phí lại tăng nên chắc để ra Tết rồi về thăm nhà sau", Đạt tâm sự.

Không chỉ sinh viên, nhiều bạn trẻ xem Tết là cơ hội kiếm thêm thu nhập. Với Trường Sơn (25 tuổi, TP Thủ Đức), Tết là mùa kiếm tiền. Anh đang cùng lúc vừa làm nhân viên bảo trì hệ thống điện nước cho một khu chung cư, vừa tài xế xe ôm công nghệ. Khi các đồng nghiệp từ chối trực Tết, Sơn lại xung phong đăng ký trực. Xuyên bảy ngày Tết (27 tháng chạp đến mùng 3 Tết), mức lương anh nhận được là 350% so với ngày thường.

Ca trực chỉ 8 tiếng, thời gian còn lại Sơn bật app chạy xe công nghệ. "Bay từ đây về Nghệ An ngày Tết xót tiền lắm, đi xe thì chen chúc và không an toàn nên tính ra Tết xin nghỉ phép về thăm cha mẹ sau. Đang một mình nên ở lại cũng dễ, sau này vợ con chắc không như thế được", Sơn cười.

Dù một mình xa quê nhưng Tết ở nhà Sơn vẫn chu toàn. Trước Tết tầm 20 ngày, Sơn xin ứng lương gửi về nhà 6 triệu đồng. Số tiền này Sơn nhờ mẹ mua bánh trái, hoa hương... để thờ cúng, sắm Tết. Anh cho riêng em út 1 triệu đồng mua quần áo mới vì "nó cũng phải có quần áo mới đi chơi với bạn bè chứ".

Kỳ tích hơn nửa thập kỷ không lặp lại: Google, Meta lung lay vị thế thống trị ‘cỗ máy kiếm tiền’ tỷ USD, cúi đầu chịu thua một công ty… bán lẻ


Cùng chuyên mục

Đọc thêm