Tác hại của "nước kẹo"
Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện vụ vi phạm an toàn thực phẩm của 4 cơ sở sản xuất đã đưa ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ ủ "nước kẹo".
Trao đổi với báo VietNamNet, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nước kẹo là tên gọi của hóa chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP). Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào cho cây.
“6-BAP được dùng chủ yếu trong ngành lâm nghiệp giúp cho cây mọc rễ nhanh, ra hoa, trái nhanh. 6-BAP không thuộc Danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng đặc tính tăng trưởng nhanh của 6-BAP để kích thích rau ăn lá, ăn ngọn và làm giá đỗ tăng trưởng nhanh, năng suất cao hơn.

6-BAP có thể gây ra các phản ứng viêm kết mạc nếu dính vào mắt; gây viêm da nếu tiếp xúc với da; tổn thương phổi, viêm phổi… Đặc biệt, 6-BAP nguy hiểm với phụ nữ có thai vì gây các dị tật bẩm sinh, thai nhi có nguy cơ nhẹ cân và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ nhỏ sau này.
Chất 6-BAP chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay có tính axit. Khi ủ trực tiếp với giá đỗ, dung dịch này sẽ thẩm thấu sâu vào thân giá, không bị rửa trôi bằng nước thông thường, gây ra nguy cơ mất an toàn lâu hơn.
Phân biệt giá đỗ sạch - bẩn
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, ủ giá đỗ sạch và an toàn mất khoảng 3 ngày (vào mùa hè), 5 ngày vào mùa lạnh còn giá ủ hóa chất có thể thu hoạch trong thời gian ngắn hơn.
Nhận biết giá đỗ sạch - bẩn | ||
Giá sạch | Giá ủ 'nước kẹo' | |
Thân giá | Gầy, dài, dai, không đẹp mắt | Mập mạp, trắng giòn, dễ gãy |
Rễ | Rễ dài thẫm màu hơn thân, nhiều rễ phụ | Không có rễ |
Trước tình trạng giá đỗ bị ủ "nước kẹo", Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với loại giá đỗ được dùng hóa chất và thuốc kích thích.
Nắm được tâm lý người tiêu dùng thích loại mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ, người sản xuất còn dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (diệt phần rễ mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại.
Khi đem những loại giá đỗ này làm nộm hoặc xào tái sẽ chảy ra nước màu đục.