Sau 4 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường trong nước có phiên cuối tuần hồi phục nhẹ nhờ vào sự dẫn dắt của các mã vốn hóa lớn như ngân hàng, thép, bất động sản. Đóng cửa tuần 18 - 22/4, VN-Index mất đi 79,33 điểm tương đương 5,44% và đóng cửa tại 1.379,23 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 23.527 tỷ đồng, tăng 13% so với tuần trước đó nhưng vẫn giảm 3,6% so với trung bình 5 tuần trước đó.
Trong tuần qua, giữa lúc các nhà đầu tư cá nhân vội vã bán ra hơn 5.161 tỷ đồng tại HOSE, khối ngoại và các tổ chức trong nước lại nhân cơ hội gom hàng loạt cổ phiếu. Dòng vốn ngoại mua ròng 2.496 tỷ đồng, còn tổ chức nội rót ròng hơn 2.666 tỷ đồng sau một tuần giao dịch tại HOSE.
Trong đó, giao dịch tích cực nhất với quy mô gần 2.000 tỷ đồng của các tổ chức được ghi nhận trong phiên cuối tuần khi VN-Index bật tăng 0,66% sau chuỗi 6 phiên giảm mạnh.
Dòng tiền tổ chức trong nước trở lại cổ phiếu ngân hàng cùng nhóm vốn hóa lớn
Trong tuần 18 - 22/4, cổ phiếu của các nhà băng đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 971 tỷ đồng, vượt trội so với những nhóm ngành còn lại và tăng gấp 3,8 lần so với tuần trước.
Mặc dù chỉ số giá chung của nhóm cổ phiếu vua vẫn giảm 3,26%, áp lực bán tại các cổ phiếu Ngân hàng đã giảm và nhóm này đã có sự phục hồi trong 2 phiên cuối tuần. Trong đó, đáng chú ý có VCB là cổ phiếu tăng điểm mạnh 4,9% trong ngày thứ 6, giúp cho cổ phiếu này tăng 2,49% trong tuần và là mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số sàn HOSE trong tuần qua.
Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng gia tăng đáng kể ở các nhóm thực phẩm đồ uống với giá trị 489 tỷ đồng, công nghệ thông tin (381 tỷ đồng), bán lẻ (278 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt (228 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (209 tỷ đồng), bất động sản (137 tỷ đồng)...
Ở chiều ngược lại, áp lực bán ròng được ghi nhận ở 6/18 nhóm ngành. Theo đó, NĐT tổ chức trong nước duy trì xu hướng bán ròng cổ phiếu hóa chất với 119 tỷ đồng. Áp lực bán ra cũng tiếp tục tập trung tại nhóm bảo hiểm (65 tỷ đồng), trước khi rút ròng nhẹ hơn khỏi hàng & dịch vụ công nghiệp (22 tỷ đồng)...
Tổ chức trong nước gom ròng nhiều cái tên trong rổ VN30, bán ròng chủ yếu tại DIG
Thống kê top10 mã được tổ chức trong nước giao dịch nhiều nhất tuần qua, đáng chú ý là danh mục mua ròng có sự đóng góp của toàn bộ 10 cái tên trong danh mục VN30.
Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu FPT dẫn đầu với giá trị 381 tỷ đồng. Là một trong những cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của CTCP FPT chỉ chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trong tuần biến động của thị trường. Hiện thị giá mã này đang tạm dừng ở vùng 111.100 đồng/cp.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I mới công bố, FPT ghi nhận 9.730 tỷ đồng doanh thu và 1.779 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 28,3% và 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ động lực chính đến từ mảng công nghệ và viễn thông. Bên cạnh đó, mảng giáo dục duy trì tăng trưởng ổn định.
Trở lại với giao dịch của tổ chức nội, nhiều cổ phiếu bluechips cũng được gom ròng trong tuần là MWG (260 tỷ đồng), MSN (235 tỷ đồng), VIC (226 tỷ đồng), HPG (189 tỷ đồng), VNM (176 tỷ đồng).
Ngoài ra, là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xu hướng giao dịch của khối này, nhiều cổ phiếu của các nhà băng cũng lần lượt góp mặt trong danh mục mua ròng. Theo đó, lần lượt là TCB (242 tỷ đồng), MBB (179 tỷ đồng), ACB (149 tỷ đồng), STB (146 tỷ đồng)...
Tại chiều bán ra, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng chịu áp lực xả lớn nhất 357 tỷ đồng từ các tổ chức nội khi mã này đánh mất 12,7% giá trị chỉ trong tuần vừa qua. Đối ứng với hoạt động rút vốn mạnh của NĐT tổ chức trong nước, DIG dẫn đầu danh mục mua ròng của NĐT cá nhân, giao dịch gần như đối ứng với hơn 326 tỷ đồng.
Kế đó, áp lực rút vốn ròng cũng xuất hiện ở cổ phiếu của Tập đoàn Đất Xanh với giá trị 222 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lực cầu tích cực từ các NĐT nước ngoài giúp DXG phục hồi mạnh mẽ bằng phiên kết tuần tăng kịch biên độ.
Theo ghi nhận, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital đã mua 600.000 cp DXG trong phiên 21/4, nâng tỷ lệ nắm giữ của cả nhóm lên 22%. Trước đó, Chủ tịch Lương Trí Thìn cũng đăng ký mua 5 triệu cp từ ngày 27/4 đến 26/5 nhằm nâng mức sở hữu lên 18,04% vốn điều lệ.
Theo sau, các cổ phiếu nằm trong Top bán ròng gồm GEX (166 tỷ đồng), VPB (122 tỷ đồng), DGC (79 tỷ đồng). Tại giao dịch chứng chỉ quỹ ETF, FUEVFVND và E1VFVN30 lần lượt bị rút ròng với giá trị 88 tỷ và 72 tỷ đồng.