UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 2719/QĐ-UBND, theo đó tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Liên danh 5 nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Lan Anh – Phú Quốc; Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long; Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Mặt Trời và Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa tại TP. Biên Hòa.
Đây là Liên danh duy nhất nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án sau 2 lần không có nhà đầu tư nào đăng ký.
Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng; trong đó, liên danh nhà đầu tư góp vốn là hơn 10.800 tỷ đồng còn lại là vốn huy động hơn 61.400 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khoảng 16.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, đây còn là khu đô thị nằm ở vị trí đắc địa, 4 mặt tiếp giáp sông Đồng Nai (cù lao Hiệp Hòa) với tổng diện tích hơn 290 ha. Tỉnh Đồng Nai cũng đang đầu tư một số cây cầu kết nối đến cù lao Hiệp Hòa.
Dự án được chia thành 6 giai đoạn, thực hiện trong 12 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư (2023-2035). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm theo Luật Đầu tư.
Trước đó vào thàng 3/2023, tỉnh Đồng Nai có quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất với Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa.
Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ được xây dựng đa dạng các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ du lịch, dịch vụ công cộng… Khu đô thị sẽ hướng đến phát triển du lịch bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Đặc biệt, tại đây bố trí hài hòa các loại hình hoạt động trong khu đô thị, đảm bảo diễn ra cả ngày lẫn đêm, hình thành dãy phố thương mại sầm uất, đáp ứng nhu cầu ở, kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Cuối tháng 1/2023, Đồng Nai đã khởi công dự án đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (gồm cả cầu Thống Nhất) để kết nối vào cù lao Hiệp Hòa.
Dự kiến, cầu Thống Nhất sẽ hoàn thành vào giữa năm 2025 đồng thời mở ra không gian phát triển đô thị mới cho khu vực cù lao Hiệp Hòa.
Cù lao Hiệp Hòa rộng gần 700 ha thuộc xã Hiệp Hoà, TP Biên Hòa, được bao bọc bởi hai nhánh của sông Đồng Nai. Vào thế kỷ 17-18, cù lao là trung tâm kinh tế của khu vực Biên Hòa - Gia Định, sử sách hay gọi Nông Nại Đại Phố.