Bất động sản

Lộ diện loạt tuyến đường nghìn tỉ kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành

Tp .HCM: Đề xuất 3 tuyến đường sắt, đường thủy và cao tốc

Theo Bộ giao thông vận tải, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (phường An Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Tuyến đường sắt này phần lớn chạy song song với cao tốc Tp.HCM - Long Thành với tổng chiều dài tuyến là 37,35 km, trong đó đoạn qua Tp.HCM 11,8 km, qua Đồng Nai 25,55 km. Tuyến đường sắt  chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm Tp.HCM với sân bay quốc tế Long Thành. Tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng, lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Lộ diện loạt tuyến đường nghìn tỉ kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Lộ diện loạt tuyến đường nghìn tỉ kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành- Ảnh 2.

Kết nối sân bay Long Thành với Tp.HCM qua ga trung tâm Thủ Thiêm, thông qua đường sắt tốc độ cao Tp.HCM – Nha Trang và đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Tp.HCM đề xuất 3 phương án vận tải khách bằng đường thủy kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành.

Cụ thể, tuyến Bạch Đằng - Swan Bay: Hành khách sẽ khởi hành từ bến Bạch Đằng (Quận 1, Tp.HCM) bằng tàu cao tốc đi tới bến du thuyền Swan Bay (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Thời gian đi trên tàu cao tốc khoảng từ 35 phút tới 45 phút. Sau đó, từ bến du thuyền Swan Bay du khách sẽ đi đường bộ theo các trục đường có sẵn để tới sân bay Long Thành với thời gian khoảng 15 phút. Đây là tuyến đường thủy phù hợp cho du khách thuộc khu vực trung tâm Tp.HCM có thể đến sân bay Long Thành.

Tuyến Nhà Bè - Nhơn Trạch : Tp.HCM và Đồng Nai sẽ nâng cấp hai đầu bến Phú Xuân - Phước Khánh trên sông Soài Rạp và tăng các phương tiện vận chuyển hai bờ sông để mở rộng kết nối từ khu vực Nhà Bè (Tp.HCM) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau khi qua sông, hành khách có thể theo tuyến Phạm Thái Bường (Nhơn Trạch, Đồng Nai) để tới đến sân bay Long Thành với cự ly gần 25 km, thời gian di chuyển 40 phút tới 45 phút. Tuyến đường sông này phù hợp với hành khách thuộc khu Nam Tp.HCM như quận 7 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ…

Lộ diện loạt tuyến đường nghìn tỉ kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành- Ảnh 3.

Tuyến Cát Lái - Nhơn Trạch: Tp.HCM và Đồng Nai sẽ mở rộng, tăng công suất khai thác tại bến phà Cát Lái nối Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Hành khách sau khi qua phà sẽ đi theo tuyến đường bộ hiện hữu DT 769 để tới sân bay Long Thành với thời gian khoảng 60 phút. Lợi thế của phương án này là đường bộ thuận lợi do hạ tầng giao thông hiện có và phù hợp với hành khách thuộc khu vực TPp.Thủ Đức (Tp.HCM) trong khi chờ cầu Cát Lái được triển khai xây dựng.

Sở Giao thông- Vận tải TPHCM cho biết, hiện Sở đang cùng với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng luồng, tuyến, bến cảng, bến thủy nội địa, phương tiện vận chuyển thủy nội địa để có thể triển khai sớm nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của hành khách ngay sau khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Tp.HCM - Long Thành, đoạn từ nút giao Vành đai 2 Tp.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 21,92km. Dự kiến đoạn cao tốc này sẽ mở rộng lên 8 - 10 làn xe. Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành, hiện có dấu hiệu quá tải.

Đồng Nai: Liên tục xây dựng các tuyến đường kết nối vào sân bay

Về phía Đồng Nai gần đây liên tục có chủ trương xây dựng, nâng cấp ba tuyến đường lớn để vận chuyển hành khách, hàng hóa kết nối đến sân bay Long Thành và nhiều địa phương lân cận.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã duyệt chủ trương đầu tư ba tuyến đường tỉnh, gồm 770B, 773, 769 để kết nối vào sân bay Long Thành. Khi các tuyến đường này hoàn thành, việc vận chuyển hành khách, hàng hóa từ các địa phương vào khu vực sân bay cũng như các tỉnh lân cận sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện nay quá trình triển khai các dự án này gặp một số vướng mắc về quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trong đó, dự án đường tỉnh 770B là tuyến đường sẽ được đầu tư xây dựng mới với chiều dài hơn 42km, có điểm đầu tuyến giao với đường tỉnh 763 tại xã Suối Nho, huyện Định Quán và điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 51 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, có lộ giới 60m, với 4-8 làn xe.

Lộ diện loạt tuyến đường nghìn tỉ kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành- Ảnh 4.

Đôi bờ Đồng Nai và Tp.HCM liên tục có động thái đầu tư hạ tầng kết nối.

Tổng mức đầu tư dự án xây dựng đường tỉnh 770B là hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 3.300 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Tuyến đường này sẽ kết nối giữa các huyện phía Đông, Đông Bắc của tỉnh với sân bay Long Thành và các khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn, Bàu Cạn - Tân Hiệp, kết nối tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 có tổng chiều dài gần 30km, đi qua địa bàn các huyện Thống Nhất và Long Thành, có điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 1 tại ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất và điểm cuối giao với quốc lộ 51 tại ngã tư Lộc An, huyện Long Thành. Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.200 tỷ đồng. Dự án sẽ giúp đảm bảo lưu thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với sân bay Long Thành.

Đối với dự án này, trong tháng 7/2024, Ban QLDA đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Các đơn vị liên quan cũng đang triển khai hồ sơ, thủ tục cần thiết cho dự án.

Ngoài ra, tuyến 773 có tổng chiều dài hơn 39km. Điểm đầu của tuyến nằm tại nút giao với quốc lộ 1 trên địa bàn xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc. Điểm cuối tuyến đến hương lộ 10 giao với đường Vành đai 4 (Long Thành). Tuyến đường là trục kết nối 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ đến sân bay Long Thành, đáp ứng nhu cầu lưu thông và giảm tải lưu lượng xe cho quốc lộ 1, kết nối vào đường vành đai 4 đến đường tỉnh 769.

Khi tuyến đường này đi vào hoạt động, hành trình di chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào sân bay quốc tế Long Thành, vào các khu vực Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ rút ngắn khoảng 30km. Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2027.

Có thể thấy, việc đầu tư hạ tầng đồng bộ đã nâng cao khả năng kết nối của Sân bay Long Thành, từ đó thúc đẩy giá trị của các dự án bất động sản liền kề sân bay. Khi giao thông kết nối hoàn thiện giữa các khu vực với nhau sẽ giúp bất động sản gia tăng giá trị trong dài hạn ở cả nhu cầu ở thực lẫn nhu cầu đầu tư. Chưa kể việc thu hút dân cư và doanh nghiệp FDI cũng tăng nhiệt khi sân bay đi vào hoạt động. Gần đây, thị trường cận kề sân bay như Nhơn Trạch đã xuất hiện động thái "đi trước đón đầu" của nhà đầu tư trước khi sân bay Long Thành hoàn thành. Họ nhìn thấy tiềm năng sinh lời, giá bất động sản sẽ có xu hướng tăng mạnh khi sân bay hoạt động, đặc biệt là những khu vực gần sân bay. Ghi nhận cho thấy, gần đây một số dự án căn hộ liền kề sân bay như FIATO Airport City được chú ý, thanh khoản khá tốt. Đây cũng là nguồn cung sơ cấp hiếm hoi tại khu vực Nhơn Trạch đang triển khai thi công và sẽ hoàn thành cùng thời điểm 2025-2026 khi sân bay đi vào hoạt động. Theo đó, nhà đầu tư kì vọng vào sự tăng trưởng về thanh khoản cũng như giá trị trong tương lai. 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm