Kinh tế tiếp đà đi lên tạo lực đẩy cho bất động sản
Tăng trưởng GDP quý II/2023 của cả nước đạt 4,14% so với cùng kỳ, cao hơn 0,86 điểm phần trăm so với mức tăng 3,28% của quý I/2023. Trong đó, đáng chú ý ngành xây dựng cũng tăng mạnh với mức tăng 7,05%, cao hơn mức tăng 4,94% của cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đang ghi nhận thặng dư thương mại tích cực, đồng tiền tương đối mạnh và chỉ số CPI, lạm phát tương đối trong tầm kiểm soát so với tình hình chung trên toàn cầu. Theo nhận định của Savills Việt Nam, một số nền tảng cơ bản của kinh tế cùng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam với tỷ lệ hơn 38% dân số sống ở đô thị, cho thấy tiềm năng to lớn cho thị trường bất động sản trong vài năm tới.
Việt Nam cũng được đánh giá đang trong giai đoạn dân số vàng, tạo động lực thúc đẩy chi tiêu trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về nhà ở, chi tiêu bán lẻ, tăng trưởng... Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong hai thập kỷ tới, kéo theo nhu cầu an cư của người dân. Đây là một trong những lực đẩy lớn nhất của thị trường bất động sản, kích thích nguồn cung ra thị trường.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Foxconn, đối tác sản xuất linh kiện hàng đầu của Apple, Samsung đang đầu tư và tiếp tục cam kết nhiều hơn về việc đầu tư vào Việt Nam.
Những biến động trong chuỗi sản xuất thế giới dự kiến được sẽ được khắc phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tích cực trở lại vào nửa cuối năm 2023.
Bệ đỡ từ các chính sách hỗ trợ thị trường
Nhiều chính sách hỗ trợ cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 đang được tích cực triển khai, có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Trong đó, gói phục hồi kinh tế - xã hội tổng thể với quy mô 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2022 đang được nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2023.
Việc triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế mang đến nhiều lợi ích. Trước hết, dòng tiền giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, giúp tài sản gia tăng giá trị.
Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế hồi phục góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
Đây là tin tốt cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, các gói hỗ trợ mang đến nhiều lạc quan và lực đẩy cho cho những khu vực thực sự hưởng lợi từ hạ tầng, giá bất động sản chưa quá cao, còn dư địa để tiếp tục gia tăng giá trị.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản đón nhiều cú hích từ giải ngân đầu tư công và các gói kích thích kinh tế được bơm vào thị trường. Một động lực quan trọng khác là lãi suất tín dụng tiếp tục được điều chỉnh giảm. Đây là điều kiện để nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp.
Tâm lý tiền rẻ cũng khiến người dân không mặn mà với kênh gửi tiền tiết kiệm và bất động sản chính là kênh tối ưu để thu hút dòng tiền với cà nhà đầu tư trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Vì vậy, có thể nhận định cơ hội tăng trưởng của thị trường bất động sản nhà ở và tài sản gắn liền với đất đang rộng mở.
Bất động sản là nam châm hút dòng vốn ngoại
Bất động sản tiếp tục giữ vị trí trong tốp đầu các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất của Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ngoại đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tính cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, nghĩa là tăng hơn 70% so năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đang đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các nhà đầu tư ngoại vẫn thực hiện nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở nhóm dự án nhà ở và nhóm bất động sản công nghiệp. Nhà đầu tư ngoại đánh giá cao các nền tảng ở Việt Nam như lao động, sự phát triển nhanh, mạnh về hạ tầng cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về pháp lý. Các yếu tố đó tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn khiến dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản.
Việc hoàn thiện nền tảng pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho bất động sản đang được Quốc hội, Chính phủ tích cực triển khai. Trong đó, Quốc hội đang xem xét và chuẩn bị thông qua việc sửa đổi 3 luật quan trọng liên quan đến bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ tiếp tục thúc đẩy thực hiện các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, doanh nghiệp bất động sản.
Những yếu tố cộng hưởng từ kinh tế vĩ mô, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, nguồn vốn, nhu cầu... tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường bất động sản bứt phá trong thời gian tới.