Lãi vay thấp nhất từ 5%/năm
Trong bối cảnh tiền đang “ế” và áp lực tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng với nhiều mục đích khác nhau.
VPBank triển khai gói vay trị giá 13.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay mở rộng kinh doanh từ 5%/năm, mua nhà từ 5,9%/năm và mua xe chỉ từ 7%/năm. Mức 5%/năm hiện là mức lãi suất ưu đãi kỳ đầu thấp nhất trên thị trường.
Hay mới đây, SHB tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 6.000 tỷ cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, ngân hàng dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,97%/năm cho khoản vay sản xuất kinh doanh và 1.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua ô tô với lãi suất từ 7,5%/năm.
Ngân hàng này cũng cho biết sẽ dành 5.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay cho khách hàng hiện hữu, mức giảm từ 1,5 - 2 điểm %/năm, tuỳ vào mục đích sử dụng vốn và đối tượng khách hàng, áp dụng đến hết năm 2023.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) áp dụng gói vay kinh doanh quy mô đến 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm. Với các khoản vay mua nhà, lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm và lãi suất vay mua ô tô từ 8,49%/năm. Trước đó, OCB đã tung hai gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng.
Các Big4 cũng triển khai loạt chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, BIDV cung cấp gói vay sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 6%/năm, vay mua xe với lãi suất từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu tiên hoặc từ 7,8%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Khi mua xe, BIDV ưu đãi lãi suất vay từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân hoặc từ 7,8%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Người mua nhà được hưởng mức lãi suất từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu tiên hoặc từ 7,8%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu tiên (thời gian vay tối thiểu 36 tháng).
Tại VietinBank, lãi suất trong gói 15.000 tỷ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giảm xuống còn 6,3%/năm, áp dụng từ nay đến cuối năm. Với các khoản vay tiêu dùng mới, VietinBank cũng áp dụng lãi suất từ 7,5%/năm áp dụng với quy mô 5.000 tỷ đồng..
Hay như Agribank cũng tung gói vay ưu đãi chủ yếu tập trung đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Từ ngày 20/9 đến cuối năm, Agribank áp dụng mức lãi suất từ 7,3%/năm cho gói vay 10.000 tỷ đồng cho những khoản vay trung và dài hạn trong 5 ngành trọng điểm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cho vay đảo nợ lãi suất thấp, ngân hàng nào sẽ hưởng lợi? 12/09/2023 - 08:20
Cho vay đảo nợ cũng là một trong số những chương trình trọng điểm được nhiều ngân hàng đưa ra với lãi suất thấp, trong đó có sự góp mặt của các "ông lớn" Big4.
VietinBank hiện là ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất cho gói này,từ 5,6% đối với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và 7%/năm với các khoản vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe,…
Một số đại diện của nhóm ngoài quốc doanh cũng đang triển khai chương trình này như MSB với mức lãi suất chỉ từ 6,8%/năm; Techcombank với lãi suất từ 7,3%/năm; MB với lãi suất từ 8%/năm, cố định trong 12 tháng và có thể điều chỉnh xuống 7,5%/năm với khách hàng ưu tiên.
Doanh nghiệp muốn giảm tiếp lãi vay
Nhiều chương trình giảm lãi suất đã được tung ra, tuy nhiên chia sẻ tại các hội thảo kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong thời gian gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất vay hiện nay của các ngân hàng vẫn còn cao.
"Tại thời điểm hiện nay lãi suất vay của các ngân hàng còn cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn", ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng Giám đốc Nagakawa, cho hay mặc dù lãi suất đã giảm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp: "Riêng chi phí tài chính chiếm khoảng 3 - 4%, là chi phí rất cao so với một doanh nghiệp như chúng tôi đặc biệt khi đòn bẩy tài chính của chúng tôi rất nhiều... Lãi suất cao như vậy ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp".
Theo số liệu mới nhất của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay mới đã giảm 1 - 1,3 điểm%. Lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5 - 5,7%/năm, vay trung ngắn hạn là 5,8 - 10%/năm.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 sáng 19/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá rằng việc điều hành chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm đã rất mạnh mẽ, nới lỏng ngay từ đầu năm và linh hoạt trong suốt thời gian sau đó.
Ông cho rằng việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi vì có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.
Giảm lãi suất cũng là một trong những thông điệp xuyên suốt mà NHNN gửi đến toàn hệt thống ngân hàng, một phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, một phần giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 21/9 mới tăng 5,91%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được ông đề cập đến là các vấn đề khách quan như sự khó khăn của nền kinh tế, tác động từ bên ngoài cũng như các vấn đề nội tại của doanh nghiệp trong nước, cầu tiêu dùng giảm.
Về việc tiếp cận tín dụng theo Phó Thống đốc phải đánh giá từ hai phía cả từ ngân hàng và người đi vay là các doanh nghiệp bởi vì tín dụng nó là khoản vay có hoàn trả chứ không phải là cấp phát nên nó phải có các điều kiện để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như với các tổ chức tín dụng.