FPT đạt một tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, sau hợp đồng ký với một doanh nghiệp Nhật Bản vào ngày 22/12/2023. Trong lễ công bố Hành trình tỷ USD từ thị trường nước ngoài chiều 11/1 ở Hà Nội, Chủ tịch tập đoàn Trương Gia Bình cho biết: "Nếu như trước đây, công ty luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng, còn nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn chủ động tìm đến Việt Nam và FPT".
Từ một công ty "không thương hiệu" với các hợp đồng nước ngoài chỉ vài nghìn USD, sau 25 năm, FPT trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên vào nhóm doanh nghiệp CNTT tỷ USD toàn cầu. Con số này cao gấp đôi doanh thu xuất khẩu phần mềm của công ty năm 2021 và gấp 10 lần sau một thập kỷ.
Con đường ra nước ngoài của FPT bắt đầu từ năm 1998, khi công ty mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ), sau đó đến Thung lũng Silicon (Mỹ). Từ triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, FPT cho biết tập đoàn đã tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ.
Năm 2013, công ty bắt đầu rẽ nhánh sang chuyển đổi số và bước đầu thành công. Trong 11 tháng đầu năm 2023, mảng dịch vụ chuyển đổi số mang về cho công ty 9.600 tỷ đồng từ thị trường nước ngoài, cao hơn 5 lần so với năm 2018, đóng góp hơn 50% vào doanh thu tỷ USD của FPT năm ngoái.
Trong đó, riêng mảng điện toán đám mây (cloud) chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, còn công nghệ như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%, RPA & Lowcode (tự động hóa quy trình) chiếm 10%. "FPT hiện đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD", ông Bình cho hay.
Các hợp đồng của FPT cũng có xu hướng chuyển dịch, hướng tới các hợp đồng hàng chục, hàng trăm triệu USD thay vì những đơn hàng vài chục nghìn USD như trước. Theo đại diện tập đoàn, 80% đơn hàng của FPT đạt quy mô từ một triệu USD trở lên. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiềm năng đến từ các hợp đồng trên 5 triệu USD đã tăng 66%.
Ở mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, công ty có những hợp đồng trăm triệu USD ở những lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, công nghệ ôtô (Automotive), tài chính ngân hàng, đóng góp đáng kể vào doanh thu cả năm của của FPT.
Riêng lĩnh vực Automotive, doanh thu tăng trưởng khoảng 40% những năm gần đây. Cuối tháng 12/2023, công ty FPT Automotive khai trương tại Mỹ, nhắm tới chinh phục thị trường phần mềm ôtô quy mô trăm tỷ USD. Trong lĩnh vực hàng không, cả hai tập đoàn đứng đầu thế giới đều là khách hàng của FPT. "Trên mỗi chuyến bay bất kỳ của hãng máy bay nào đều có dòng code của chúng tôi", đại diện FPT nói.
Từ Việt Nam, tập đoàn đã hiện diện tại 30 quốc gia, trở thành đối tác của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài với 17 người ban đầu hiện đã cán mốc 30.000 người với 70 quốc tịch.
Trong số này, Nhật Bản, Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương vẫn là các thị trường lớn nhất, đóng góp hơn 90% doanh thu. Năm 2023, FPT lần đầu có một khách hàng mang đến doanh thu trên 200 triệu USD, là một công ty Mỹ chuyên cung cấp giải pháp cho các nhà phân phối ôtô.
Tại Malaysia, FPT cũng nằm trong top 3 nhà thầu chính thực hiện dự án chuyển đổi số, là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ trên nền tảng Microsoft cho tập đoàn dầu khí hàng đầu hàng đầu Malaysia trong hơn 15 năm.
Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam hiện đã vươn lên số hai thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ. "Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới", ông nói.
Trong chiến lược toàn cầu hóa, FPT đang đặt ra mục tiêu dài hạn là "bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD", với doanh thu đạt 5 tỷ USD vào năm 2030.
Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết với tiềm năng thị trường và những gì đã làm được, FPT hướng đến ước mơ có một triệu nhân sự chuyển đổi số. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, chip bán dẫn, công nghệ ôtô, để tiến tới những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất", ông Khoa nói.