Dinh dưỡng

Người Việt thiếu kẽm: Ăn gì tăng cường hệ miễn dịch, giảm nhiễm khuẩn, tốt "chuyện ấy"?

Các thực phẩm chứa nhiều kẽm - Ảnh minh họa

Các thực phẩm chứa nhiều kẽm - Ảnh minh họa

Thiếu kẽm sinh nhiều bệnh

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết không chỉ Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng quan tâm tình trạng thiếu kẽm. Khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu kẽm và một tỉ lệ lớn trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị thiếu kẽm.

Tại Việt Nam, tỉ lệ thiếu kẽm trên trẻ em là 25 - 40% tùy theo địa phương và nhóm tuổi nghiên cứu. Điều tra về tình hình thiếu vi chất trên 586 trẻ từ 6 tháng đến 75 tháng tại Việt Nam cho thất tỉ lệ thiếu kẽm là 51,9%.

Kẽm có nhiều vai trò quan trọng với tình trạng miễn dịch và tăng trưởng của cơ thể: kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. 

Thiếu kẽm làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết thiếu kẽm sẽ khiến móng tay dễ gãy hoặc chậm mọc, có những vết trắng, tóc rụng, da khô, dễ bị viêm nhiễm; 

Đàn ông yếu khả năng sinh lý, phụ nữ dễ gặp sự cố khi mang thai, dễ sinh con thiếu tháng, đứa trẻ yếu dễ bị dị dạng hoặc có vấn đề không bình thường ở hệ thần kinh, chậm lớn; 

Người già thiếu kẽm góp phần gây mất cân bằng đồng hóa với các tác nhân của lão hóa như gốc tự do và chất độc, dễ bị suy thoái cơ bắp và xương, tăng khả năng loãng xương và teo cơ, giảm chiều dày của da, kém ăn hoặc ăn không thấy ngon miệng, khả năng miễn dịch suy giảm…

Can thiệp vào chuyển hóa dinh dưỡng và gene, giảm tỉ lệ tử vong 50%

PGS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh bổ sung kẽm rất quan trọng để phòng chống bệnh. Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng, làm tăng nồng độ hormone IGF-1. 

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỉ lệ tử vong trên 50%...

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết kẽm là khoáng chất vi lượng có tầm quan trọng hàng đầu đối với cơ thể nhưng chúng ta thường bị thiếu kẽm. 

Kẽm can thiệp vào nhiều chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic, cần thiết cho quá trình tổng hợp của gene, cho sự sao chép ADN. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng lên tất cả những gì có liên quan đến hoạt động nhân đôi của tế bào, sinh sản, tăng trưởng, liền sẹo và tính miễn dịch.

Kẽm còn can thiệp vào khả năng thể hiện của gene và quá trình tổng hợp của protein, cũng như trong chuyển hóa của acid béo không no tạo ra màng tế bào.

Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hormone sinh dục nam, bài tiết nhiều hormone khác như insulin, hormone tăng trưởng, thymulin… Đặc biệt, ngoài đặc tính can thiệp vào cấu trúc và hoạt hóa coenzyme của nhiều phân tử, kẽm còn tham gia vào hoạt động và sức khỏe của cơ thể.

Kẽm là chất bảo vệ chống oxy hóa và sự tấn công của các gốc tự do. Nó còn chống lại các tác dụng của một số chất độc, kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác. 

Hơn nữa, kẽm điều hòa tỉ lệ giữa các tế bào thành phần của máu, tăng cường tính bền của thành mạch, các màng tế bào, kích thích sự hoạt động của thị giác và hệ thần kinh trung ương.

Các loại quả chứa nhiều kẽm - Ảnh minh họa

Các loại quả chứa nhiều kẽm - Ảnh minh họa

Ai cần bổ sung kẽm?

Theo bác sĩ Toàn, kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu. Nguồn thức ăn nhiều kẽm là:

Tên thực phẩm

Kẽm (mg)

Tên thực phẩm

Kẽm (mg)

1. Sò

13.4

10. Ổi

2.4

2. Củ cải

11.0

11. Nếp

2.2

3. Cùi dừa già

5.0

12. Thịt bò

2.2

4. Đậu Hà Lan (hạt)

4.0

13. Khoai lang

2.0

5. Đậu nành

3.8

14. Đậu phộng

1.9

6. Lòng đỏ trứng gà

3.7

15. Gạo

1.5

7. Thịt cừu

2.9

16. Kê

1.5

8. Bột mì

2.5

17. Thịt gà ta

1.5

9. Thịt heo nạc

2.5

18. Rau om

1.48

Hàm lượng kẽm trong 100g thực phẩm ăn được

Vì lượng kẽm hấp thu hằng ngày là cần thiết để duy trì mức độ khỏe mạnh trong cơ thể nên một số người có biểu hiện hoặc có nguy cơ thiếu hụt kẽm thì rất cần phải bổ sung:

- Người ăn chay: Phần lớn kẽm từ thực phẩm xuất phát từ các sản phẩm thịt. Kết quả là những người ăn chay (đặc biệt là người ăn chay trường) sẽ cần nhiều hơn 50% kẽm trong chế độ ăn uống của họ so với người không ăn chay.

- Bị bệnh đường ruột: Những người bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh viêm ruột loét miệng, viêm ruột kết, bệnh thận mạn tính hoặc hội chứng ruột ngắn sẽ có một khoảng thời gian khó khăn hơn để hấp thụ và giữ lại kẽm từ thực phẩm mà họ ăn.

- Thai phụ và trẻ bú mẹ: Phụ nữ mang thai và cho con bú, để đáp ứng đủ nhu cầu kẽm của bào thai, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có lượng kẽm dự trữ thấp khi mới có bầu thì mỗi ngày sẽ cần thêm nhiều kẽm hơn những người khác. 

Trẻ đã lớn nhưng vẫn bú sữa mẹ, cho đến khi được 7 tháng tuổi, trẻ có thể nhận được đủ lượng kẽm hằng ngày từ sữa mẹ. Sau đó, nhu cầu hằng ngày tăng 50% và một mình sữa mẹ sẽ không đáp ứng đủ nữa.

- Bệnh hồng huyết cầu: Người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm, nghiên cứu gần đây cho thấy 60-70% những người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm có mức độ kẽm thấp hơn, bởi vì cơ thể hấp thụ nó khó khăn hơn.

- Uống nhiều rượu: Người nghiện rượu, một nửa số người nghiện rượu có nồng độ kẽm thấp vì họ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng (do tổn thương đường ruột từ việc uống rượu quá nhiều hoặc vì kẽm bị tiết ra nhiều hơn qua nước tiểu của họ).

Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ.

Để kẽm được hấp thu tốt nhất thì nên bổ sung vi chất này từ nguồn thực phẩm tự nhiên như: hàu, gan, thịt đỏ, trứng, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại rau củ, trái cây…, cần ăn cân đối thức ăn thực vật và động vật.

Chỉ bổ sung kẽm bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi nhiều kẽm có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Không được dùng mỗi ngày quá 150mg.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm