Theo chuyên gia Đặng Tuấn Tiến - Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp của Viện Khởi nghiệp thực tế (RSI), livestream đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh nhờ 6 yếu tố sau.
Tăng tính tương tác trực tiếp dễ dàng: Livestream bán hàng tạo cơ hội tương tác trực tiếp giữa người bán và khách hàng. Người xem có thể đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến và nhận phản hồi ngay lập tức.
Tăng niềm tin và sự thuyết phục: Sự hiện diện trực tuyến của người bán giúp xây dựng niềm tin và thuyết phục hơn so với hình ảnh và văn bản tĩnh. Khách hàng có thể thấy sản phẩm hoạt động và nghe ý kiến đánh giá trực tiếp từ người bán.
Tăng hiệu suất bán hàng: Nhiều doanh nghiệp báo cáo việc sử dụng livestream tăng hiệu suất bán hàng của họ. Số liệu cho thấy khách hàng có xu hướng mua sắm nhanh chóng hơn khi họ có cơ hội xem sản phẩm trực tiếp.
Dữ liệu trực quan: Dữ liệu từ các nền tảng livestream như Facebook Live, Instagram Live, Tiktok Live hoặc YouTube Live có thể cung cấp thông tin chi tiết về lượng người xem, thời lượng xem, tương tác và tỷ lệ chuyển đổi. Điều này giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu suất và điều chỉnh chiến lược của họ.
Xu hướng hiện đại: Các nền tảng xã hội đang ngày càng tích hợp những tính năng livestream, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối trực tiếp với cộng đồng trực tuyến của họ.
Tăng cường chiến lược tiếp thị nội dung: Livestream giúp doanh nghiệp tạo ra nội dung độc đáo và tương tác, quảng bá nhanh chóng sản phẩm và dịch vụ của công ty đến khách hàng dễ dàng.
Ngoài ra, chuyên gia Đặng Tuấn Tiến cũng cho rằng việc livestream bán hàng có sự tham gia của CEO, founder là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan và đem về nhiều lợi ích, hiệu quả cho doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự kết nối, niềm tin giữa khách hàng và doanh nghiệp chặt chẽ. Chính sự xuất hiện của họ đã phần nào cho người xem thấy được sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, CEO livestream có thể truyền đạt cam kết của mình đối với sản phẩm, dịch vụ và khách hàng, làm tăng giá trị thương hiệu và thuyết phục khách hàng chọn lựa doanh nghiệp của họ khi chính người đứng đầu chia sẻ thông điệp cá nhân, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của công ty. Người lãnh đạo có thể giải đáp trực tiếp các thắc mắc của khách hàng và cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ. Hiện nay, không ít doanh nghiệp từ startup tới những công ty có tuổi đời lâu năm vẫn tin tưởng và chọn livestream bán hàng là hình thức thúc đẩy doanh số bán hàng hiệu quả.
Chuyên gia Đặng Tuấn Tiến nhận định có rất nhiều tiềm năng khiến livestream bán hàng trở thành xu hướng trong tương lai gần khi càng ngày các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) được tích hợp để cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến chân thực hơn. Khách hàng có thể vừa xem livestream trình diễn thời trang, vừa bấm nút mua hàng trực tiếp ngay lập tức sản phẩm mà người mẫu vừa trình diễn.
Các nền tảng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok và YouTube ngày càng tích hợp nhiều tính năng để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện livestream. Vì vậy, doanh nghiệp cần sản xuất nhiều ý tưởng mới và chú trọng chất lượng nội dung - yếu tố quyết định thành công của một buổi livestream. Chính sự chân thực, thông tin chi tiết và khả năng tương tác tốt sẽ quyết định mức độ hấp dẫn của một video livestream.
Ngoài ra, livestream bán hàng mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh không phân biệt đối tượng, tuổi tác, xuất thân lẫn trình độ. Bất kỳ ai cũng đều có khả năng trở thành streamer. Do đó, đây là một trong những xu hướng tất yếu, có tiềm năng lớn để trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, đặc biệt là khi người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm trải nghiệm mua sắm trực tuyến tương tác và gần gũi.