Trước thềm sự kiện Vietnam CEO Forum 2023, chủ đề "Innovation - Chuyến tàu tương lai, làm sao tìm được vé" diễn ra ngày 25/8 tại TP HCM, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP HCM, Ban chỉ đạo chương trình VietNam CEO Forum 2023 có những chia sẻ về việc các doanh nghiệp trẻ cần làm gì để bứt phá, hướng tới một quỹ đạo tăng trưởng mới, với tốc độ nhanh và chính xác.
- Lý do ban tổ chức Vietnam CEO Forum 2023 chọn chủ đề "Innovation - chuyến tàu tương lai, làm sao tìm được vé" là gì, thưa ông?
- Các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam cần công thức mới để đưa ra mô hình tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế. Cụ thể, doanh nghiệp cần tìm kiếm một mô hình mới có giá trị gia tăng cao hơn. Ở đó những giá trị chúng ta tạo ra được sẽ đến từ hoạt động sáng tạo và đổi mới. Đó cũng là lý do Vietnam CEO Forum năm nay đưa ra chủ đề "Innovation - chuyến tàu đến tương lai, làm sao tìm được vé".
Hình ảnh mang tính biểu tượng về con tàu mà chúng tôi chọn là tàu cao tốc. Tàu cao tốc đòi hỏi công nghệ cao, được trang bị hiện đại để di chuyển với sự chính xác và tốc độ. Chúng tôi kỳ vọng chuyến tàu Innovation đổi mới sáng tạo này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp hướng tới một quỹ đạo tăng trưởng mới, với tốc độ mới và tầm cao mới - tốc độ cao, chính xác.
- Theo ông, tầm quan trọng của đổi mới đối với sự sống còn của doanh nghiệp biểu hiện ra sao?
- Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể thấy trong mô hình kinh doanh truyền thống, có những công ty tồn tại hàng trăm năm và giữ vai trò dẫn dắt thị trường nhưng giờ đây cũng suy yếu rồi lụi tàn. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ hơn, tuổi đời ít hơn, kinh nghiệm và quản trị mỏng hơn, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số đạt mức tầm trung của thế giới thì càng khó tránh khỏi áp lực đào thải. Đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, các doanh nghiệp Việt vừa phải chống chịu với đại dịch vừa phải cạnh tranh trong "thế giới phẳng" với các tập đoàn toàn cầu mạnh về vốn, tiên tiến về công nghệ.
Nhìn sâu hơn, chúng ta thấy công nghệ đang thay đổi chóng mặt ở hầu hết ngành nghề. Vì thế bất cứ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều phải sẵn sàng cho sự thay đổi. Điều này đặt các CEO và doanh nghiệp vào việc phải đổi mới, sáng tạo cả về phương pháp tiếp cận khách hàng, thích ứng với môi trường thay đổi nếu không muốn bị đào thải.
- Cụ thể, mỗi doanh nghiệp cần đổi mới như thế nào để có thể chứng tỏ bản lĩnh, vượt qua thời kỳ khó khăn?
- Môi trường kinh doanh thay đổi rất nhiều khiến cho những mô hình và phương thức kinh doanh cũ đang có một "độ vênh" với thực tế mới, đặc biệt là các tiến bộ công nghệ. Điều đó tạo ra sức ép, gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp. Vai trò của CEO là nhận diện thời cuộc trên một bức tranh có độ phân giải cao, nhìn thấy những độ vênh, điểm lệch trong mô hình cũ và xu hướng mới để tìm các giải pháp đưa doanh nghiệp đến tương lai.
Trong môi trường đó, nếu CEO không làm gì thì độ vênh ngày càng mở rộng, độ lệch càng lớn, đồng nghĩa áp lực bị đào thải ngày càng tăng. Thực tế cho thấy sức ép cạnh tranh của công nghệ đã tác động đến các doanh nghiệp truyền thống, đặt họ vào sự sống còn giữa thay đổi hay là chết. Hình ảnh tàu cao tốc thể hiện điều này. Có thể nhận thấy nhiều CEO đã nhanh nhưng vẫn nhanh chưa đủ, vì thế phải tư duy nhanh hơn nữa, nhận diện được những điểm mấu chốt của đổi mới, sáng tạo để có thể bắt kịp sự thay đổi công nghệ, của thời cuộc và mô hình kinh doanh mới.
- Đổi mới, sáng tạo đòi hỏi phải đầu tư và ẩn chứa nhiều rủi ro, CEO cần làm gì để cân bằng giữa lợi ích và chi phí?
- Vai trò CEO là phải tìm ra phương án quản trị rủi ro cho sự thay đổi. Vì thế mà sự thay đổi cần có chiến lược, phương hướng để quản trị rủi ro và phương án với các bên liên quan cần được "may đo" theo đúng với số đo riêng của doanh nghiệp mình. Đó cũng chính là lý do năm nay Vietnam CEO Forum sẽ thảo luận về chủ đề này nhằm giúp các lãnh đạo doanh nghiệp nhận diện được thách thức và tìm con đường, hành trình sáng tạo để đi về tương lai.
- Bằng kinh nghiệm và sự quan sát, đồng hành với nhiều các doanh nghiệp, ông suy nghĩ như thế nào về các doanh nghiệp trẻ và CEO dấn thân vào con đường đổi mới, sáng tạo?
- Nếu nhìn về lịch sử kinh doanh hiện đại của Việt Nam thì chúng ta nhận thấy năm 1986 bắt đầu đổi mới tư duy, đến thập niên 1990 thực thi chính sách dám nghĩ, dám làm. Tư duy về kinh tế theo đó cũng thay đổi theo hướng thị trường, và các doanh nghiệp trở thành những người tiên phong, dẫn đường cho sự phát triển kinh tế. Quá trình đó cho thấy có nhiều doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo so với mô hình kinh tế kế hoạch trước đó và đạt được những thành công trong câu chuyện kinh doanh thời mở cửa. Những năm 2000, các doanh nhân Việt lại phải đổi mới và sáng tạo lần thứ hai với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập.
Nhiều doanh nghiệp trẻ đã ra đời và đổi mới để vươn lên cùng nền kinh tế, trở thành những doanh nghiệp lớn hôm nay. Đến năm 2023, với những thách thức về thay đổi công nghệ, về xu hướng mới trong kinh tế quốc tế và địa chính trị, các doanh nghiệp lúc này lại cần một sức sống trẻ với những cách tiếp cận năng động, sáng tạo, và họ có lợi thế của sức trẻ khát khao đổi mới, sáng tạo.
Ngoài ra, cá nhân tôi tin rằng trên chuyến tàu cao tốc để đón hành trình về tương lai có nhiều hạng vé, nhưng không phải ai cũng tìm được tấm vé cho chính mình. Đổi mới trở thành một sự cấp bách đối với các doanh nghiệp, tại diễn đàn năm nay chúng tôi sẽ trao đổi, thảo luận không chỉ những câu chuyện thành công mà cả thất bại. Chúng tôi tin rằng Vietnam CEO Forum và InnoEx năm nay sẽ mang đến một không gian tư duy chiến lược với quy mô lớn hơn, hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và startup Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước nhà để cùng nhau tìm kiếm cơ hội lớn mạnh và phát triển hơn.