Sau khủng hoảng niềm tin, doanh thu khai thác mới giảm mạnh
Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong nửa đầu năm 2023, mảng bảo hiểm nhân thọ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng và giá trị hợp đồng bảo hiểm.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt 15.508 tỷ đồng giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Prudential đã vượt qua Manulife, Dai-ichi Life vàBảo Việt Nhân Thọ trở thành công ty dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới với 2.741 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước.
Dai-ichi Life vươn lên vị trí thứ hai với 2.046 tỷ đồng trong khi Manulife tụt xuống vị trí thứ ba với 1.976 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 1.912 tỷ đồng và AIA thế chân MB Ageas Life trong Top 5 với 1.161 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm trước, Manulife là quán quân về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới với 4.685 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với nửa đầu năm nay, Prudential đạt 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life đạt 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ đạt 2.678 tỷ đồng và MB Ageas đạt 2.197 tỷ đồng.
Số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1 triệu hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất 61,2% giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7% giảm 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13,35 triệu hợp đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (52,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).
Xét chung toàn thị trường, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng lớn nhất 55,2%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,9%.
Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,78%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,3%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,7%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,05%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,46%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0004%.
Thị phần bảo hiểm nhân thọ xáo trộn
Sự sụt giảm doanh thu phí không đồng đều của các doanh nghiệp bảo hiểm đã khiến cho bảng xếp hạng về thị phần trong ngành xáo trộn.
Bảo Việt Nhân Thọ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 20,6% thị phần với tổng doanh thu phí tương ứng là 16.036 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu phí giảm 13% và giảm gần 1% về thị phần so với cùng kỳ năm trước nhưng Manulife vẫn giữ vị trí á quân với 13.357 tỷ đồng. Prudential bám đuổi phía sau với doanh số 12.842 tỷ đồng. Hai gương mặt còn lại của Top 5 là Dai-ichi Life và AIA với thị phần lần lượt là 3,4% và 3,03%.
MB Ageas Life là doanh nghiệp có mức giảm (%) doanh thu phí cao nhất trong các doanh nghiệp được IAV công bố. Trong 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận 2.357 tỷ đồng doanh thu phí, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước, kéo thị phần giảm xấp xỉ 1 điểm % từ 4,02% về 3,03%.
Ngoài 15 doanh nghiệp kể trên, nhóm doanh nghiệp khác bao gồm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life với doanh thu phí đạt 1.199 tỷ đồng, tương đương 1,5% thị phần.
Về trả tiền bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả ước đạt 25.850 tỷ đồng, tăng 37,1% với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo mới công bố về Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết năm 2023, thị trường bảo hiểm đã được phen lao đao khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông.
Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report cho rằng việc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm 2023.
Loạt lùm xùm liên quan tới kênh bancassurance đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.