Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đang được hâm nóng khi nhiều doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông để họp trong tháng 3-4. Những doanh nghiệp đầu tiên đã bắt đầu tiết lộ một số thông tin quan trọng, cũng như có câu chuyện riêng đủ sức hâm nóng các hội trường.
Lịch họp năm nay càng thêm sôi động hơn khi các doanh nghiệp đã trở lại hình thức họp trực tiếp nhiều hơn, qua đó giúp các cuộc thảo luận được diễn ra cởi mở và đa chiều hơn.
Ngành thép là cái tên tiêu điểm trong mùa đại hội năm nay khi triển vọng kinh doanh được dự báo tươi sáng trở lại, đồng thời còn được thu hút bởi những doanh nghiệp tiếng tăm trên thị trường và sẵn sàng đối thoại cởi mở.
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vẫn là tâm điểm của giới đầu tư khi doanh nghiệp này có lượng cổ đông lớn nhất thị trường chứng khoán. "Vua thép" trong các năm qua thường tổ chức họp ở khách sạn lớn để đảm bảo đủ chỗ cho mọi người.
Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đỉnh điểm có gần 180.000 cổ đông. Trong ngày đại hội năm ngoái, Hòa Phát tiếp đón hơn 500 cổ đông đến tham dự trực tiếp, ngồi kín Hội trường lớn Grand Ballroom, Khách sạn Melia Hà Nội.
Sức nóng của phiên gặp mặt hàng năm này càng được tăng thêm với sự suất hiện của vị tỷ phú Trần Đình Long. Nhà sáng lập tập đoàn thép sẵn sàng trả lời thẳng thắn các vấn đề quan tâm của cổ đông và có những quan điểm giúp định hình triển vọng thị trường thép.
Sang năm 2024, Hòa Phát tiếp tục chọn Melia Hà Nội làm địa điểm họp thường niên vào ngày 11/4 tới. Hòa Phát còn hâm nóng trước đại hội bằng kế hoạch cho 300 nhà đầu tham quan và tìm hiểu về Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất vào cuối tháng 3.
Cổ đông Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng sẽ hâm nóng hội trường với nhiều chủ đề, như kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao cho năm tài chính 2024. Doanh nghiệp đã đặt mục tiêu doanh thu 34.000-36.000 tỷ và lãi sau thuế 400-500 tỷ đồng, cao hơn 13 lần cùng kỳ.
Nội dung đáng chú ý khác là đề án tái cấu trúc doanh nghiệp hướng đến việc IPO 2 mảng kinh doanh khác tại Công ty Nhựa Hoa Sen và Công ty Ống thép Hoa Sen, đồng thời là câu chuyện dang dở về mảng bất động sản.
Ở ngành bán lẻ, cuộc họp của Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cũng luôn thu hút đông đảo giới đầu tư. Lịch họp của MWG tiếp tục có sự khác biệt khi diễn ra trong vòng 2 ngày (12/4 và 13/4), trong đó phiên họp chính thức được khai mạc chiều 13/4 với sự xuất hiện của các lãnh đạo cấp cao.
Câu chuyện của tập đoàn bán lẻ năm nay sẽ xoay quanh vào kế hoạch kinh doanh liệu có đảm bảo tăng trưởng trở lại, phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt dù kết quả năm 2023 lao dốc và nóng nhất phải kể đến việc bán Bách Hóa Xanh...
MWG đã công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu 125.000 tỷ doanh thu và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài tự tin con số lợi nhuận trên là "trong tầm tay".
Cuộc họp của Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cũng được chú ý về chất lượng và quy mô. Hội trường thường được thiết kế riêng với nhiều phân khu, nhiều hoạt động bên lề và được tổ chức chung với các công ty thành viên như Masan Meatlife, Masan Consumer...
Cổ đông công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) dự kiến có mùa đại hội tích cực sau một năm kinh doanh lãi kỷ lục. Câu chuyện sắp tới của PNJ sẽ xoáy vào vấn đề phát triển khách hàng mới, nhất là mở rộng hoạt động tại các thị trường tier 2,3 ở khu vực phía Bắc.
CEO PNJ Lê Trí Thông nói 2024 sẽ có nhiều thách thức và tiếp tục phân hạng các doanh nghiệp, các công ty có nền tảng tốt sẽ có lợi thế và tăng trưởng mạnh hơn. Riêng PNJ sẽ tăng tốc độ giới thiệu sản phẩm mới để khai thác các nhóm khách hàng khác, nhất là GenZ.
Ngành dầu khí cũng có những câu chuyện đủ lớn mà cổ đông khó có thể bỏ qua, đơn cử là tiến độ triển khai siêu dự án Lô B, mà nhiều doanh nghiệp trong ngành sẽ được hưởng lợi trong chu trình triển khai dự án này.
Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (Mã: PVD) sau năm kinh doanh khởi sắc vẫn tiếp tục được đánh giá cao. Công ty hiện đảm bảo 100% khối lượng công việc cho các giàn khoan, với công suất hoạt động ước tính đạt 99% cho cả hai năm tới.
Tuy nhiên, cổ đông PVD có thể phải lo lắng bởi thông tin Saudi Aramco - doanh nghiệp sản xuất dầu chính ở Trung Đông - gần đây đã hủy bỏ kế hoạch tăng công suất 8% lên 13 triệu thùng/ngày.
Mối bận tâm của cổ đông Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) tương tự do đây là 2 doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn, bất kỳ sự thay đổi chiến lược nào của Saudi Aramco đều có thể dẫn đến sự thay đổi chu kỳ tăng trưởng hiện tại.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) đang được quan tâm nhiều nhất đến kế hoạch mở rộng nhanh và trẻ hóa đội tàu, bất chấp triển vọng dư cung. Một số chủ đề khác như thị trường trong nước suy yếu khi nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng lớn, diễn biến giá cước và triển khai nhập khẩu LNG...
Một số doanh nghiệp quy mô lớn khác cũng đã có thông tin sơ bộ đáng chú ý cho kỳ họp cổ đông sắp tới. Trong đó, HAGL (Mã: HAG) sẽ nóng nhất với câu chuyện huy động vốn từ nhóm nhà đầu tư có liên quan đến Thaigroup, bên cạnh vấn đề nhân sự hay trả nợ vay.
Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) cũng đã chốt quyền họp cổ đông thường niên. Công ty hóa chất này được nhắc đến là đơn vị hưởng lợi chính từ làn sóng đầu tư vào chất bán dẫn khi là nhà xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất châu Á.
Do đó, vấn đề về xuất khẩu phốt pho vàng sẽ trở thành nội dung trọng tâm trong cuộc họp vào cuối tháng 3 tới. Ngoài ra, câu chuyện về đầu tư vào dự án Đức Giang Nghi Sơn, dự án bô-xít ở Đắk Nông hay các kế hoạch M&A cũng là các vấn đề quan tâm.
Những doanh nghiệp có câu chuyện lớn khác như vấn đề sụt giảm nguồn thu ngành bia của Sabeco (Mã: SAB), câu chuyện vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Dabaco (Mã: DBC), câu chuyện bán mảng năng lượng của Gelex (Mã: GEX), hoạt động mở rộng phân phối xe của Haxaco (Mã: HAX)...