"Đây là thời gian quan trọng để khám phá và giải quyết 'dấu chân bí mật' của mô hình AI về tiêu thụ nước, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khan hiếm nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi hạn hán kéo dài, thời tiết cực đoan và dân chúng già đi nhanh chóng", nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học California viết trên tạp chí Nature cuối tuần trước.
Microsoft, Google và Meta đã tăng mức tiêu thụ nước trong nhiều năm qua, nhưng sự bùng nổ của AI tạo sinh sẽ thúc đẩy lượng nước khai thác được ở cả các nguồn trên và dưới mặt đất lên từ 4,2 tỷ đến 6,6 tỷ mét khối vào năm 2027, tức khoảng một nửa lượng nước mà Anh tiêu thụ mỗi năm.
Các mô hình AI tạo sinh đòi hỏi sức mạnh tính toán khổng lồ để hoạt động, đồng nghĩa trung tâm máy chủ cần sử dụng nước để làm mát trong quá trình vận hành. Theo dữ liệu được Microsoft, Google và Meta công bố năm 2022, các công ty này đã tăng mức tiêu thụ nước lên lần lượt 34%, 22% và 3% so với năm 2021.
Đối với OpenAI, khi còn sử dụng mô hình GPT-3.5, cụm trung tâm dữ liệu của công ty ở West Des Moines, Iowa đã tiêu thụ 6% lượng nước của quận, theo đơn kiện của một nhóm người dân ở đây. Còn theo ước tính của phó giáo sư Shaolei Ren ở Đại học California tại Riverside, 10-50 phản hồi từ chatbot ChatGPT chạy trên GPT-3 cũ hơn sẽ tương đương với việc "uống" một chai nước 500 ml. Ở các mô hình mới hơn, Ren cho rằng lượng nước tiêu thụ "tăng theo cấp số nhân", nhưng không đưa ra số liệu cụ thể.
Tại sự kiện ở Davos tháng trước, CEO OpenAI Sam Altman cảnh báo rằng AI tạo sinh trong tương lai cũng sẽ tiêu thụ quá nhiều điện. Do đó, ông cho rằng cần có một bước đột phá về năng lượng, chẳng hạn điện hạt nhân, để cung cấp năng lượng cho chúng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết các trung tâm dữ liệu, các cỗ máy khai thác tiền điện tử và AI chiếm gần 2% nhu cầu năng lượng toàn cầu năm 2022. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2026, gần bằng mức tiêu thụ điện của Nhật Bản.
Sự kỳ vọng vào chính AI
Theo các chuyên gia, so với khai thác tiền số, AI có thể sử dụng lý do "tiềm năng mang lại lợi ích xã hội" để biện minh cho lượng điện năng và nước đã tiêu thụ. Tuy nhiên, chính AI cũng cần được ứng dụng vào việc tính toán sử dụng điện, nước một cách tối ưu nhất. Công nghệ này được kỳ vọng có thể cho phép dự báo thời tiết phức tạp, giúp cân bằng nhu cầu điện năng cũng như theo dõi khí thải hoặc tìm ra những cách thông minh để cắt giảm năng lượng.
Một số "ông lớn" công nghệ đã làm điều này. Google cho biết đã giảm 40% mức sử dụng nước để làm mát tại một trong các trung tâm dữ liệu của mình bằng cách áp dụng công nghệ máy học máy từ DeepMind. Công ty cũng sử dụng phần mềm AI để tìm kiếm những khu vực có nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào trên thế giới nhằm phục vụ hoạt động của trung tâm dữ liệu.
Microsoft, Google và Amazon hiện đã đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời và gió, đồng thời tái thiết kế các trung tâm dữ liệu để tiết kiệm nước. Tuy nhiên, khi AI phát triển, giới chuyên gia cho rằng họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo có thể khai thác năng lượng theo cách không gây biến đổi khí hậu. Gần đây, Altman cho biết OpenAI đã đầu tư vào Helion, công ty khởi nghiệp về năng lượng nhiệt hạch của Mỹ. Microsoft sau đó đã đăng ký trở thành khách hàng tương lai của Helion.
"Nếu không có sự minh bạch và nhiều báo cáo hơn, mọi người không thể theo dõi tác động thực sự đến môi trường của mô hình AI, nhất là khi nhiều nơi trên hành tinh đang trải qua hạn hán sâu và kéo dài, còn nước sạch là nguồn tài nguyên khan hiếm", giáo sư Kate Crawford, chuyên về tác động xã hội của AI tại trường Báo chí và Truyền thông Annenberg thuộc Đại học Nam California, nói với Financial Times. "Chúng tôi không muốn sử dụng các công cụ AI sáng tạo một cách mù quáng mà không biết tác động thực sự của chúng khi nhân loại phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu".