Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tập trung tái cấu trúc, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải bán tài sản để có nguồn tiền trả nợ… thì một số lại tăng tốc trong cuộc đua mở rộng quỹ đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An vừa công bố liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, Huyện Cần Giuộc. Dự án này có diện tích khoảng 1.090 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 80.000 tỷ đồng.
Trước đó vài tháng, UBND tỉnh Long An đã có quyết định chấp thuận CTCP Phát triển Thành Phố Xanh (công ty con của Vinhomes) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa.
Dự án này có diện tích hơn 197 ha, tọa lạc tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28.258 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp trên sàn là CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy. Vừa qua, doanh nghiệp này đã đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng chỉnh trang đô thị (Chung cư kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ) tại lô OTM2-1, N2-3, CX2-4 thuộc ô phố A2 trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 quận Lê Chân. Dự án có diện tích sử dụng đất hơn 16.179 m2, tổng chi phí thực hiện dự kiến gần 3.180 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV - công ty con Hoàng Huy đã chi hơn 4.800 tỷ đồng để đấu giá thành công khu đất gần 50 ha tại xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Dự kiến từ tháng 8/2024, tại đây sẽ xây dựng khu đô thị với tổng vốn 10.158 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) vừa qua đã đăng ký thực hiện dự án Khu 2, thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang. Dự án có tổng diện tích gần 50 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng.
Tập đoàn Ecopark cũng đang tích cực mở rộng quỹ đất. Cuối năm 2023 vừa qua, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB - CTCP Tập đoàn Ecopark đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Dự án này có tổng diện tích hơn 220 ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, Ecopark đang nghiên cứu đầu tư Khu đô thị du lịch Đầm Nại quy mô 2.000 ha tại huyện Ninh Hải. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2025 – 2030.
Giữa tháng 9/2023, Tập đoàn Ecopark đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Trạch với tổng diện tích khoảng 3.800 ha.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) đang nghiên cứu đầu tư dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hàm Tân - La Gi, diện tích sử dụng đất 5.000 ha và tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng tại Bình Thuận.
Trước đó, Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) - Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã đề xuất chủ trương khảo sát, nghiên cứu phát triển hai dự án tại Khánh Hòa. Cụ thể, gồm: Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Ninh Xuân với quy mô dự kiến 2.340 ha và Khu đô thị - Dịch vụ Diên Khánh với quy mô dự kiến 500 ha.
Áp lực huy động vốn
Nền tảng pháp lý (các luật mới được thông qua) sẽ hỗ trợ giai đoạn phát triển mới của ngành bất động sản. Tuy nhiên, luật thường có độ trễ nhất định và các chủ đầu tư cũng cần có thời gian để chuẩn bị.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, SSI Research cho biết các công ty bất động sản thường tái tài trợ hoặc huy động vốn mới để đầu tư vào các dự án mới bằng cách phát hành trái phiếu mới, vay ngân hàng, phát hành cổ phần.
Trong năm 2023, khi thị trường trái phiếu chững lại do các nhà đầu tư bán lẻ lo ngại về các vấn đề phát sinh đối với trái phiếu khi một số tổ chức phát hành đã sử dụng tiền thu được từ trái phiếu không đúng mục đích trong năm 2022, các chủ đầu tư đã hạn chế sử dụng trái phiếu phát hành.
Do đó, các chủ đầu tư đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng hoặc bán tài sản để tái cấp vốn cho các dự án (hoặc huy động vốn thông qua tăng vốn chủ sở hữu). Với sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong năm 2023 với mức tăng 12% so với cùng kỳ cũng như lãi suất cho vay giảm, các chủ đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục phát hành cổ phần mới hoặc vay từ các ngân hàng trong nước trong năm 2024.
Trong năm vừa qua, có một số chủ đầu tư niêm yết có kế hoạch vay và huy động thêm vốn từ cả cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư khác. Các khoản vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu được cho là nguồn chính để cơ cấu lại các khoản nợ hiện tại và đầu tư vào các dự án mới trong năm nay.
Còn theo đánh giá của nhóm chuyên gia FiinRatings, phần lớn các nhà phát triển đang đối mặt với áp lực huy động vốn để triển khai dự án tại các khu đất đã tích lũy từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đồng thời, việc phải tìm các phương án tái tài trợ các khoản nợ cũ sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến cơ cấu nguồn vốn và tình trạng thanh khoản của nhóm doanh nghiệp này,
Trong năm 2024, các nhà phát triển bất động sản dân cư được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Mặt khác, sẽ có sự phân hóa mạnh trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp sau các diễn biến khó khăn chung của thị trường đã kéo dài từ năm 2022 tới nay. Các doanh nghiệp có chất lượng dự án được đảm bảo với dòng sản phẩm đa dạng, cùng quỹ đất sạch được tích lũy qua lịch sử hoạt động lâu năm, đi kèm khả năng triển khai và thực thi dự án có nhiều cơ hội tiếp cận đa dạng các kênh huy động vốn và có sức chống chịu tốt hơn.