Đó là chia sẻ của anh N.T.T, một nhân viên tín dụng tại một ngân hàng lớn. Anh N.T.T đã làm việc tại ngân hàng 10 năm.
Tôi khổ… vì vợ đòi lương
Sau khi ra trường 1 năm, tôi trúng tuyển vào vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân (thường được gọi là nhân viên tín dụng) tại một ngân hàng tư nhân tầm trung. Mức thu nhập của tôi phụ thuộc vào KPI hoàn thành. Tính đến nay, tôi đã làm ở vị trí này được 10 năm và kinh qua 3 nhà băng khác nhau.
Suốt 10 năm đi làm, dù thâm niên tăng, nhưng không đồng nghĩa mức thu nhập của tôi tăng đều đặn mà nó lại biến động theo hình sin. Có giai đoạn, mức lương sụt giảm mạnh do tình hình kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh, lợi nhuận của ngân hàng và chi nhánh tôi làm không hiệu quả.
Như năm 2023 vừa qua, thu nhập của tôi giảm tới 40%. Khoản tiền thưởng Tết cũng chỉ được 1 tháng lương mang ý nghĩa tượng trưng do chi nhánh tôi làm việc không đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra, khoản nợ xấu nhiều.
Thế nhưng đợt Tết vừa rồi, một ngày đi làm về, vợ tôi gửi cho tôi link bài báo về thu nhập bình quân lương nhân viên ngân hàng. Vợ tôi bắt đầu chất vấn rằng: Thu nhập của nhân viên mà ngân hàng công bố hơn 40 triệu đồng/tháng nhưng tại sao mỗi tháng tôi chỉ nộp về 20 triệu đồng.
Chưa kể, vợ tôi, cũng gọi là có chút kiến thức về kế toán, tài chính, còn chỉ trích nói: Thông thường, số liệu mà ngân hàng công bố sẽ thấp hơn do với thực tế. Như vậy, khả năng lương của tôi còn cao hơn so với báo đăng là điều hiển nhiên.
Thế là những ngày sau đó, cứ trung bình 2 ngày 1 lần, vợ tôi lại nhắc đi nhắc lại câu chuyện lương. Chưa dừng lại ở đó, vợ tôi còn đặt ra nghi ngờ, thưởng Tết của tôi không thấp đến như vậy vì nhiều bên thông báo thưởng 5-10 tháng lương.
Quá bực mình vì ngày nào nghe lời phàn nàn và chất vất, sau khi giải thích mà cô ấy không hiểu, tôi bức xúc nói với vợ: "Lên báo mà đòi". Sau câu nói đó, tôi và vợ đã bắt đầu chiến tranh lạnh mất vài ngày.
Làm nhân viên ngân hàng không sướng như lời đồn
Khi biết tôi làm nhân viên ngân hàng, rất nhiều người thân nghĩ: Tôi giàu có. Nhưng thực tế, lương của tôi chỉ ở mức trung bình, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cơ bản của gia đình. Để mua được nhà, tôi phải thực sự tằn tiện và nhờ sự hỗ trợ của hai bên gia đình.
Tôi nghĩ mình là con người tiết kiệm. Sau khi lập gia đình vào năm 2016, tôi chia khoản tiền ra làm 3 phần. 50% đưa cho vợ để lo toan chi phí sinh hoạt trong gia đình và đối nội, đối ngoại. 25% lo cho khoản tiền nợ nhà. Và tôi chỉ dành 25% còn lại cho cá nhân như tiền xăng xe, café với khách hàng, tiền điện thoại, ăn trưa… Khi tiền nhà đã trả hết, tôi vẫn chỉ giữ 25% tiền thu nhập cho cá nhân, số còn lại đưa vợ để tiết kiệm và chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.
Thời điểm hiện tại, khi thu nhập giảm mạnh, tôi vẫn cố gắng đưa cho vợ 15-20 triệu đồng/tháng, thấp hơn từ 5-10 triệu đồng so thời điểm tôi thu nhập khá. Thế nhưng vợ tôi vẫn giãy nảy và phàn nàn, không hài lòng về tôi mà không biết rằng, công việc của nhân viên ngân hàng vô cùng vất vả và áp lực.
Theo quy định của ngân hàng chúng tôi, mức thu nhập phụ thuộc vào số tiền giải ngân. Trong khi lượng khách hàng có hạn, mối quan hệ có hạn, các chính sách cho vay, ưu đãi kèm theo giữa các ngân hàng vô cùng cạnh tranh. Hiện nay, một số ngân hàng cho vay với lãi suất thấp và ưu đãi cao càng thu hẹp khả năng tiếp cận khách hàng của chúng tôi.
Ngoài tiêu chí đó, chúng tôi còn bị áp thêm các chỉ tiêu như thẻ tín dụng, số tài khoản lập mới… Mỗi một giai đoạn, chúng tôi lại thêm chỉ tiêu khác nhau.
Năm 2023 và 2024 kinh tế khó khăn, lượng khách vay giảm do ai cũng sợ thu nhập giảm. Thu nhập của tôi cũng giảm mạnh. Để đạt được thu nhập 20 triệu đồng, mức khá như hiện nay tôi phải gánh nhiều áp lực và vất vả. Thế nên, tôi mong người ngoài hiểu được công việc của nhân viên ngân hàng, đừng nhìn bề ngoài hay số liệu trên báo chí mà đưa ra ý kiến chủ quan sai thực tế.
(Bài viết là chia sẻ của một độc giả đang công tác trong ngành ngân hàng)