Tài chính

Vụ khách hàng Eximbank nợ 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Thẻ tín dụng có đáng sợ?

Giao dịch thẻ tín dụng năm 2023 đạt trên 1 triệu tỷ đồng

Ngày 22/3, báo Tiền Phong tổ chức talk show “Hiểu đúng về Thẻ tín dụng”, sau vụ việc khách hàng nợ 8,8 tỷ đồng khi tiêu thẻ tín dụng khiến nhiều người hoang mang, quay lưng lại với loại thẻ này.

Chia sẻ tại talk show, bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho biết, những năm qua, thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước có hơn 140 triệu thẻ thanh toán, trong đó có 10,2 triệu thẻ tín dụng. Giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng năm 2023 đạt trên 1 triệu tỷ đồng.

Vụ khách hàng Eximbank nợ 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Thẻ tín dụng có đáng sợ?- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam). Ảnh: Trọng Quân

Sự phát triển của thị trường còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác như đa dạng về đối tượng sử dụng, đa dạng sản phẩm. Thẻ tín dụng không chỉ phục vụ khách hàng có thu nhập cao mà cả khách hàng trung lưu, khách hàng đại trà.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính tại Mỹ, Đức, Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ bất ngờ với sự việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm. Tại Mỹ, theo ông Hiếu, trường hợp khách hàng có khiếu nại, ngân hàng buộc phải trả lời trong vòng 72 giờ. Trong trường hợp cần điều tra, thẩm định, ngân hàng sẽ cho khách hàng biết thời hạn. Nếu khách hàng chịu thiệt hại khi mất tiền trong tài khoản, bị mất, ăn cắp thẻ tín dụng sẽ được ngân hàng bồi thường ngay. Sau đó, ngân hàng sẽ điều tra, quy trách nhiệm cho bên gây ra thiệt hại, lấy lại số tiền.

Bà Thanh chỉ ra hàng loạt lợi ích của thẻ tín dụng, như góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế chi tiêu tiền mặt, minh bạch cho nền kinh tế. Đối với người tiêu dùng, thẻ tín dụng giúp thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Người tiêu dùng có thể đặt hàng online, đặt đồ ăn giao hàng tại nhà, đặt phòng khách sạn du lịch nước ngoài. Thẻ tín dụng còn mang lại lợi ích, như khoản cung cấp tín dụng, cho khách hàng chi tiêu trước, trả sau...

“Hiện nay, ngân hàng cung cấp công cụ quản lý chi tiêu thông qua quản lý tín dụng. Khách hàng dễ dàng quản lý khoản chi tiêu thông qua thẻ tín dụng. Hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi sao kê khoản chi tiêu cho khách hàng. Người dùng dễ dàng tra cứu thông tin thông qua báo cáo chi tiêu do ngân hàng cung cấp, hoặc thông qua các ứng dụng. Ngân hàng cung cấp chương trình ưu đãi cho khách hàng như hoàn tiền, cộng dặm, chiết khấu trực tiếp”, bà Thanh cho biết.

Bà Thanh cũng lưu ý những rủi ro của thẻ tín dụng như chậm thanh toán sẽ quá hạn, ảnh hưởng điểm tín nhiệm khi xin cấp khoản tín dụng mới như vay mua nhà, mua ô tô. Khi sử dụng thẻ, nếu không bảo quản thẻ cẩn thận, đưa thẻ cho người khác sử dụng, khách hàng có thể gặp rủi ro như nguy cơ mất thông tin thẻ, phát sinh giao dịch giả mạo. Khách hàng được cấp khoản tín dụng nên sẽ dễ xảy ra việc chi tiêu vượt quá nhu cầu, vượt quá khả năng tài chính của bản thân.

Kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng

Vụ khách hàng Eximbank nợ 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Thẻ tín dụng có đáng sợ?- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Trọng Quân

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thẻ tín dụng chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam dù tiềm năng phát triển còn lớn. “Số thẻ tín dụng phát hành trong nước khoảng 10 triệu, nhưng tỷ lệ dân số có thẻ mới khoảng 6-7%, do nhiều người sở hữu nhiều hơn 1 thẻ. Hơn 90% dân số chưa có thẻ tín dụng nhưng việc nhân rộng loại thẻ này không dễ. Hạn mức thẻ bằng 5-6 lần thu nhập, điều kiện là thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thu nhập của người Việt còn thấp, GDP đầu người hiện chỉ khoảng 4.500 USD/năm”, ông Hiếu cho biết.

Để phát triển thị trường thẻ tín dụng, theo ông Hiếu, Việt Nam cần có hệ thống chấm điểm, xếp hạng tín dụng cho những người từng vay nợ, có giao dịch tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã có hệ thống CIC nhưng chỉ một số khách hàng trong số 100 triệu dân có lịch sử tín dụng với CIC được chấm điểm tín dụng. Bên cạnh đó, việc giao dịch, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người dân cần được chú trọng. Rủi ro cho ngân hàng phát hành thẻ tín dụng không nhỏ, khi hiện nay có những nhóm công khai trên mạng xã hội bày cách xù nợ, chạy nợ. Ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh tại Việt Nam chưa cao.

Vụ khách hàng Eximbank nợ 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Thẻ tín dụng có đáng sợ?- Ảnh 3.

Thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển

Chia sẻ kinh nghiệm để trở thành người sử dụng thẻ tín dụng thông minh, bà Nguyễn Hồng Thanh đưa ra lời khuyên, khách hàng phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan. Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, khách hàng tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ. Hiện nay, cách tính lãi của ngân hàng Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, tương đồng với cách tính lãi của một số quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ.

Với đặc thù của thẻ tín dụng, ngân hàng phải ứng tiền cho khách hàng sử dụng trong thời hạn ân hạn ưu đãi thanh toán, vì vậy, khi khách hàng chậm thanh toán phải trả lãi ngân hàng. Điều này khác với khoản vay thông thường, tức khách hàng phải trả lãi ngay khi sử dụng khoản vay.

Khách hàng cần xem kỹ mức phí, lãi ngân hàng đang áp dụng. Định kỳ hàng tháng, ngân hàng gửi thông báo sao kê, số dư nợ phát sinh, số tiền tối thiểu thanh toán tới khách hàng. Khách hàng xem kỹ để thanh toán đầy đủ, đúng hạn.

Khách hàng thanh toán số tiền tối thiểu sẽ không phải trả phí chậm thanh toán, nhưng phải trả khoản lãi phát sinh. Vì vậy, khách hàng xem kỹ thông báo sao kê để kịp thời, thanh toán cho phù hợp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm