Đến với Shark Tank Việt Nam, hai nhà sáng lập của Mant là Nguyễn Mạnh Hùng và Bùi Việt Thái mong muốn được Shark đầu tư 7 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Theo giới thiệu, Mant là một local brand (thương hiệu địa phương) về nội thất.
Các sản phẩm của Mant đề cao thiết kế và khả năng điều chỉnh theo ý khách hàng. Đặc biệt, hai nhà sáng lập tự tin rằng sản phẩm của Mant tốn rất nhiều thời gian để sao chép.
Sau 5 năm, Mant đã cho ra mắt 15 bộ sưu tập với hơn 250 sản phẩm theo phong cách tân cổ điển kết hợp hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu của các không gian trong ngôi nhà. Giá bán trung bình từ 70 - 90 triệu đồng/bộ, đắt nhất là 115 triệu. Mant định vị thương hiệu nằm ở giữa phân khúc cao cấp và phân khúc trung bình.
“Bọn em quan niệm sự sang trọng không gắn liền với đắt đỏ", Co-Founder Việt Thái nói về định vị thương hiệu của Mant. Tuy vậy, Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm không đồng tình với cách định vị này.
Shark Tuệ Lâm phân tích: “Người ta muốn mua một thứ đắt tiền thì người ta đến thương hiệu mà nó mạnh. Hoặc là người ta mua đồ rẻ hẳn bởi vì người ta muốn tiết kiệm chi phí. Còn nó rất là khó ở lưng chừng”.
Trả lời nữ "cá mập", đại diện Mant cho biết hành trình của họ bắt đầu từ số tiền 20 triệu đồng của nhóm sáng lập. “Khi mà bọn em phát triển dần dần thì em nghĩ rằng là có nhiều chiến lược. Một là chúng ta bán rẻ. Bán rẻ cần nhiều tiền vì để làm tồn kho. Hai là mình bán đắt lên. Nhưng mà bán đắt lên thì mình đã là ai đâu. Thế nên là em chọn một cái định vị như thế này”, Việt Thái khẳng định rằng đến thời điểm này chiến lược của Mat vẫn chưa sai.
Về tình hình tài chính của Mant, hai nhà sáng lập của Mant cho biết doanh thu năm 2021 là 13 tỷ đồng, lợi nhuận 3,5 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 22 tỷ đồng, lợi nhuận từ 2,8 – 2,9 tỷ. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 là 13,5 tỷ đồng, lợi nhuận là 22 triệu đồng, dự kiến cả năm 2023 sẽ thu về 35 tỷ đồng doanh thu và lãi 2,8 tỷ.
Shark Minh Beta nhận định startup không hiểu rõ về USP (unique selling point – lợi điểm bán hàng độc nhất) để tiếp cận thị trường, do đó họ thất bại từ khi mở đầu màn gọi vốn. Vị "cá mập từ chối đầu tư thương vụ này. Shark Bình và Shark Erik thì không nhìn thấy tiềm năng hay hiệu quả kinh doanh của Mant, cho nên họ cũng từ chối tham gia.
Về phần Shark Tuệ Lâm, do khẩu vị đầu tư không hợp nên nữ "cá mập" cũng không đầu tư. Shark Hùng Anh khuyên Mant nên chuyển hướng sang sản phẩm cao cấp hơn là nằm ở phân khúc giữa. Ông là người cuối cùng từ chối deal này. Ý tưởng đồ nội thất sang trọng với giá cả tầm trung thất bại trong việc gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam.