Khởi nghiệp

Cuộc viễn chinh của Bánh Mì Xin Chào: Hai anh em xứ Quảng mang quốc hồn ẩm thực Việt chinh phục thị trường Nhật với tâm thế "đập nồi dìm thuyền"

Sau 7 năm khởi nghiệp, Bánh Mì Xin Chào hiện có 14 cửa hàng và một xe đẩy (xe foodtruck lưu động) ở các tỉnh trung tâm nước Nhật – trong đó có ½ là nhượng quyền. Nếu đối chiếu ở thị trường Việt Nam, những con số này rõ ràng không mấy ấn tượng, nhưng nếu đặt ở thị trường Nhật, thành tựu này đã vô cùng đáng tự hào.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 1.

Foodtruck của Bánh Mì Xin Chào.

Hiện tại, Bánh Mì Xin Chào đang trong quá trình làm DD với Shark Bình để nhận 500.000 USD đổi lấy 15% cổ phần như đã thỏa thuận trên chương trình Shark Tank Việt Nam. Theo hai Nhà sáng lập Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm, thì cam kết tăng chuỗi lên 50 cửa hàng và food truck trong 2 năm tới không có gì quá thách thức, vì trước đó họ đã được các chuỗi siêu thị lớn ở Nhật Bản liên hệ và công thức nhượng quyền mà họ đóng gói sau 4 năm nghiên cứu đã chạy tốt trong thời gian qua.

Nhìn tổng thể cho đến thời điểm này, có thể xem là anh em nhà họ Bùi đã khởi nghiệp thành công trên đất Nhật, nhưng khi được hỏi 'có muốn gây dựng thêm chuỗi bún/mì Việt ở Nhật?' không, Bùi Thanh Tâm kiên quyết trả lời: "Không!". Có lẽ, vì khởi nghiệp ẩm thực ở Nhật Bản quá vất vả, nên Bùi Thanh Tâm không muốn đi con đường ấy một lần nào nữa.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 2.

ANH EM NHÀ HỌ BÙI VÀ HÀNH TRÌNH 'ĐẬP NỒI DÌM THUYỀN' KHỞI NGHIỆP

Mục tiêu của hầu hết du học sinh Việt Nam đến Nhật là học xong về Việt Nam lập nghiệp hoặc kế nghiệp gia đình; còn nếu quyết định ở lại thì cũng sẽ làm chuyên gia hoặc công chức cho công ty nào đó. Trong khi Bùi Thanh Tâm thì ngược lại, mới đang học năm 3 khoa Kinh tế của trường Đại học Yokkaichi đã ra ngoài khởi nghiệp với Bánh Mì Xin Chào.

"Kể từ khi quyết định khởi nghiệp với việc bán bánh mì Việt trên đất Nhật, tôi chưa từng dao động hoặc muốn thay đổi sản phẩm – mô hình kinh doanh. Lúc bắt đầu, tôi và anh trai không chỉ gom góp hết tiền của bản thân mà còn của gia đình để khởi sự.

Vậy nên, tôi luôn nghĩ rằng 'mình chỉ được phép thành công chứ không được thất bại'; nên ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất của Bánh Mì Xin Chào, tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc đóng cửa công ty, mà chỉ nghĩ làm sao để có thể tiếp tục sống sót.

Tôi khởi nghiệp mà không hề chừa đường lui nào cho mình, kiểu như 'đập nồi dìm thuyền' sau khi qua sông. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chúng tôi có thể đi được đến ngày hôm nay", anh Bùi Thanh Tâm  – Co-Founder kiêm CEO của Bánh Mì Xin Chào chia sẻ với chúng tôi.

Theo Bùi Thanh Tâm, việc chưa trải qua việc làm nhân viên ở nhiều công ty trước khi khởi nghiệp như nhiều Nhà sáng lập khác, mà đi thẳng từ trường đại học ra thương trường, cũng khiến anh và Bánh Mì Xin Chào gặp nhiều trầy trật. Anh tự nhận mình đã 'khá ngây thơ' với quyết định khởi nghiệp ở thời điểm đó, dù đã chuẩn bị trước tâm lý là sẽ không có gì dễ dàng nhưng nhiều thách thức xuất hiện vượt quá sự tưởng tượng của anh trước đó.

Thị trường ẩm thực Nhật Bản có những nét đặc thù mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết. Nếu ở Việt Nam, sau khi sáng tạo được một món ngon độc lạ, bạn chỉ cần đổ tiền vào PR - marketing thì có thể dễ dàng thu hút thực khách và mở rộng chuỗi lên hàng chục trong thời gian ngắn.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 3.

Một cửa hàng ở ngoài phố của Bánh Mì Xin Chào.

Nhưng ở Nhật Bản thì công thức đó vô dụng, bởi người Nhật không quá cởi mở với những món mới – đặc biệt lại còn khác biệt với ẩm thực Nhật Bản như bánh mì và cũng không quá tin tưởng vào các chiến dịch PR – marketing rầm rộ. Thậm chí, nếu bạn làm quá có thể phản tác dụng, họ sẽ đặt ra câu hỏi kiểu 'thương hiệu đó không biết có vấn đề gì không mà phải chạy quảng cáo khắp nơi như vậy?!'.

"Khi kinh doanh ẩm thực ở thị trường Nhật Bản, bạn phải rất kiên nhẫn và thật sự không có con đường tắt nào để thành công một cách nhanh chóng. Việc tôi đặc biệt – khi là du học sinh Việt hiếm hoi khởi nghiệp trong ngành ẩm thực, cũng không nhận được bất cứ đặc quyền nào.

Cách mà Bánh Mì Xin Chào đi như sau: sau khi tạo ra những chiếc bánh mì ngon phù hợp với khẩu vị của người Nhật, xây dựng dịch vụ chuẩn chỉnh; chúng tôi bắt đầu thuyết phục khách Việt thử sản phẩm của mình. Sau khi vài người dùng Việt ăn thấy ngon mới giới thiệu cho bạn bè người Nhật.

Tiếp theo, khách Nhật tới ăn vài lần và thấy chúng tôi luôn giữ vững được chất lượng tốt như đã cam kết, thì họ mới giới thiệu cho bạn bè và gia đình của mình. Ở Nhật, marketing truyền miệng chính là phương cách hiệu quả nhất. Nói chung, ở Nhật, chỉ cần thương hiệu của bạn có vấn đề về chất lượng như không đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tương đương với chuyện diệt vong", Bùi Thanh Tâm nêu rõ.

Hiện khách hàng của Bánh Mì Xin Chào khá đa dạng. Tuỳ vào khu vực, vị trí cửa hàng mà lượng khách sẽ khác nhau, có nơi khách Việt chiếm 60%, có nơi khách Nhật lại hơn 90%. Tổng quan, khách Nhật hiện đang chiếm hơn 65% trên toàn hệ thống, với độ tuổi từ 20-40.

Nhìn vào thực đơn của Bánh Mì Xin Chào chúng ta có thể biết được Nhà sáng lập đặt bao nhiêu tâm huyết vào chuỗi của mình để cân bằng giữa cái mình muốn bán và cái thị trường cần.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 4.

Mặc dù chuỗi có tên là Bánh Mì Xin Chào, nhưng menu ở mỗi cửa hàng không chỉ có bánh mì mà còn rất nhiều món Việt đặc trưng khác như bún bò, phở, gỏi tai heo, gỏi cuốn, nem rán và các món nước như cà phê dừa, bạc xỉu trà đào cam sả, sữa chua nếp cẩm và sữa chua mít.

Ngoài những loại bánh mì truyền thống Việt Nam như Bánh mì chả, Bánh mì thịt heo nướng; Bùi Thanh Tâm và đội ngũ của mình còn sáng tạo những món bánh mì mới phù hợp hơn với khẩu vị thanh đạm của người bản địa như Bánh mì gà salad, Bánh mì tôm bơ. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ thấy thấp thoáng ẩm thực đặc trưng miền Trung (Quảng Nam) – quê hương của Bùi Thanh Tâm; như món Bánh mì đặc biệt chả bò, Bánh mì thịt heo muối nước mắm, Mì Quảng...

TỶ SUẤT LỢI NHUẬN KHOẢNG 11% LÀ ĐÃ RẤT ỔN Ở THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN

Trên chương trình Shark Tank Việt Nam 2023, Shark Hưng đã chê tỷ suất lợi nhuận 11% của Bánh Mì Xin Chào là không bõ bèn gì. Còn Bùi Thanh Tâm thì cho rằng, ở thị trường Nhật Bản, con số đó đã là rất ổn.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 5.

Bùi Thanh Tâm đang tìm kiếm cơ hội tăng tốc cho Bánh Mì Xin chào tại Shark Tank 2023.

"Về tỷ suất lợi nhuận. Thứ nhất, Bánh Mì Xin Chào chỉ vừa phát triển nóng trong hơn 1 năm rưỡi với hơn 10 cửa hàng liên tiếp, cùng các đối tác ngành bán lẻ lớn nhất nước Nhật như AEON, ITOYOKADO... Với tốc độ phát triển như vậy - tức là vừa đầu tư vừa tăng cường bộ máy nhân sự, mà mức độ lợi nhuận vẫn nằm ở mốc 2 con số, thì theo cá nhân tôi nghĩ là khá tốt và thể hiện sự bền vững.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng: với môi trường kinh doanh tại Nhật ổn định, luật pháp rõ ràng - các chính sách ủng hộ cho các doanh nghiệp, startup non trẻ, thương hiệu BMXC cũng đã khẳng định được vị thế dẫn đầu ngành tại quốc đảo này nên con số lợi nhuận trên 10% là không hề nhỏ.

Cuối cùng, chúng tôi đang trên đà phát triển và với tình hình tăng trưởng hiện tại, khi BMXC xây dựng được bộ máy ổn định, tăng cường thêm các điểm bán -cửa hàng nhượng quyền thì tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng theo tỷ lệ thuận quy mô chuỗi.

Với quan điểm của Shark Hưng hoặc với các bình luận khác về BMXC, tôi nghĩ một phần do thị trường Nhật khá đặc thù và cũng còn xa lạ với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên tôi rất tôn trọng và luôn tiếp thu, cầu thị; những góp ý cũng là điều cần cho chúng tôi để tiếp tục hoàn thiện mình", Bùi Minh Tâm chia sẻ.

Hiện tại, Nhà sáng lập này vẫn nhận lương của công ty và số lương đủ chi phí cho bản thân - gia đình nhỏ. Theo quan điểm của anh: cách làm giàu nhanh nhất là giàu chậm lại. Sẽ không có bất kỳ sự vội vàng hoặc mánh khóe làm giàu nào trái luật pháp, trái với lương tâm, đạo đức của cả anh lẫn BMXC.

MONG MUỐN NÂNG CAO VỊ THẾ CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT

Mặt khác, một trong những động lực khiến Bùi Thanh Tâm quyết tâm mở rộng chuỗi là muốn nâng cao vị thế của người Việt trên đất Nhật Bản.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 6.

Phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là vẫn tồn tại một góc nhỏ chưa hay của cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật. Thế nhưng, vẫn còn có một cộng đồng người Việt tinh hoa làm trong các trường đại học – viện nghiên cứu và công ty đầu ngành của Nhật Bản, vô cùng tài năng và đầy tự hào.

Và có thể xem Bánh Mì Xin Chào chính là sự gạch nối giữa cộng đồng người Việt lao động tay chân và cộng đồng lao động trí óc ở Nhật Bản. Khi quyết định nhượng quyền thương hiệu, Bánh Mì Xin Chào đã ưu tiên hợp tác với đồng hương nên hiện tại hầu hết người nhận quyền đều là Việt kiều. Trong tương lai, khi chuỗi phát triển lớn hơn nữa, Bánh Mì Xin Chào chắc chắn sẽ hợp tác thêm với nhiều đối tác bản địa.

"Mục tiêu của chúng tôi mong muốn lan toả ẩm thực Việt, mong muốn khẳng định thương hiệu Việt, giá trị của trí tuệ trẻ Việt Nam giữa xứ sở Hoa anh đào. Trong giai đoạn đầu, cộng đồng người Việt tại Nhật chính là những vị khách công tâm nhất, giúp chúng tôi đánh giá chất lượng sản phẩm  và dịch vụ.

Ngoài ra, họ cũng là kênh truyền thông tốt nhất, hiệu quả nhất cho BMXC, mang BMXC đến gần hơn với những người bạn Nhật vốn còn đang có cái nhìn dè dặt, khắt khe với ẩm thực Việt Nam nói chung và bánh mì nói riêng. Vậy nên, cộng đồng người Việt dĩ nhiên là nguồn hỗ trợ, tiếp sức rất lớn cho BMXC thành công đến thời điểm hiện tại.

Ngược lại, sự thành công của Bánh Mì Xin Chào khiến người Nhật nói chung có cái nhìn khác về cộng đồng người Việt: Rằng à thì ra người Việt không chỉ giỏi nghiên cứu mà còn giỏi cả kinh doanh", Bùi Thanh Tâm bày tỏ.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 7.

Đội ngũ Bánh Mì Xìn Chào.

Cuộc viễn chinh mang ẩm thực Việt tiếp cận thị trường Nhật của Bánh Mì Xin Chào – Đặc biệt nhưng vẫn không có đặc quyền! - Ảnh 8.

Bánh Mì Xin Chào rất được hoan nghênh ở các lễ hội tại Nhật Bản.

Về mục tiêu tương lai, theo Bùi Thanh Tâm, anh luôn có khát khao cháy bỏng, biến BMXC thành một thương hiệu F&B Việt đẳng cấp, ghi tên mình trên bản đồ ngành F&B thế giới. Vì lẽ đó, ước mơ mang BMXC ra ngoài nước Nhật chưa bao giờ nguôi ngoai trong anh cũng như đội ngũ BMXC. Tuy nhiên mọi việc cần phải có thời gian để thật sự chín muồi. 

Hiện tại BMXC đang cố gắng tập trung phát triển chính tại thị trường Nhật Bản: chuẩn hoá mọi quy trình, mở rộng qui mô, tối ưu lợi nhuận, xây dựng thương hiệu vững mạnh hơn nữa, trước khi có ý định tìm kiếm đối tác tại quốc gia khác.

Sự cẩn trọng này là cần thiết sau chuyến hồi hương chưa thành công năm 2018. Cách đây 5 năm, Bánh Mì Xin Chào từng mở một cửa hàng ở TP.HCM và đã thất bại khá sớm (trước dịch Covid) vì đánh giá sai thị trường, phân khúc khách hàng cũng như định hướng doanh nghiệp.

"Thất bại ngay trên quê hương đã giúp tôi ngộ ra được nhiều điều và lấy đó làm bài học cho việc phát triển BMXC tại Nhật ngay sau đó. Tôi nhận ra rằng trên con đường kinh doanh sẽ không thể nào tránh thất bại, thất bại càng sớm vết thương sẽ càng đỡ đau đớn hơn khi đang lúc đỉnh cao. Tôi biết ơn về những thất bại đã qua!

Nếu có cơ hội, như tôi nói, khi thời gian đủ chín muồi, thành công đủ lớn, bản thân tôi lẫn doanh nghiệp đã đủ trưởng thành; tôi sẽ lại như đàn cá hồi, sinh trưởng tại dòng sông, trưởng thành ở biển, rồi quay trở về dòng sông cũ để sinh sản", Nhà đồng sáng lập Bánh Mì Xin Chào khẳng định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm