Doanh nhân

Điều khiến ông Trịnh Văn Quyết hối tiếc nhất khi còn trẻ tuổi và lời giải đến từ các tỷ phú nổi tiếng Việt Nam và thế giới

"Điều gì của tuổi trẻ khiến ông hối tiếc nhất? Nếu được làm lại, ông sẽ làm điều gì?", đây là câu hỏi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhận được trong một lần tham gia trả lời phỏng vấn Zing. Dẫu sở hữu khối tài sản hơn 4.300 tỷ đồng, thành công trên thương trường nhưng cũng có những điều khiến ông Quyết hối tiếc.

"Nếu cho quay lại tuổi trẻ, tôi sẽ cố gắng làm sao có suy nghĩ rèn luyện mình chín chắn hơn. Tuổi trẻ thường không chín chắn, bồng bột thì mình cố gắng được tiếp cận được những người lớn, người hiểu biết, uy tín, để nghe, học hỏi từ người đó.

Có nghĩa luôn phải tìm cách học hỏi. Nếu không gặp được thì hoàn toàn có thể đọc sách. Bây giờ rất tiện còn có Internet để học hỏi những người thành công chia sẻ.

Để tuổi trẻ không mắc những sai lầm, dù là sai lầm nhỏ thì mình phải tích lũy được tri thức. Cũng mong các bạn tìm được người để học hỏi, trau dồi tri thức để hoàn thiện mình. Mình không tránh được sự bồng bột, thiếu chín chắn nhưng có thể hạn chế nó đi", ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ.

Thực tế điều này giải thích được rằng vì sao hầu hết những người thành công đều thích đọc sách, và họ đọc rất nhiều. Các tỷ phú càng không phải ngoại lệ. 

Ví dụ đối với Elon Musk, một trong những doanh nhân truyền cảm hứng nhất thời đại, người đứng sau Tesla, SpaceX và SolarCity, từng cho biết ông đọc khoảng 10 giờ mỗi ngày khi còn đi học. Elon đã từng được hỏi làm thế nào học cách chế tạo tên lửa và có được tất cả các ý tưởng từ đó, ông trả lời: "Tôi đọc sách".

Và thói quen tương tự có thể được tìm thấy với những người thành công khác như Warren Buffett, Bill Gates, Mark Cuban, Oprah Winfrey, Jack Canfield, Anthony Robbins, Richard Branson, Mark Zuckerberg và nhiều người khác nữa.

Mặc dù đúng là có nhiều người thành công như Steve Jobs, Bill Gates và Warren Buffett đã bỏ học, nhưng điều đó không ngăn cản họ theo đuổi kiến ​​thức, học hỏi và cải thiện bản thân. Những người này hiểu rằng nếu họ muốn vươn lên trong cuộc sống, họ luôn tìm mọi cách học hỏi và cách đơn giản nhất là đọc sách.

Điều khiến ông Trịnh Văn Quyết hối tiếc nhất khi còn trẻ tuổi và lời giải đến từ các tỷ phú nổi tiếng Việt Nam và thế giới - Ảnh 1.

Đọc sách sao cho hiệu quả nhất?

Dẫu biết rằng đọc sách rất tốt cho việc học hỏi và phát triển bản thân nhưng đọc sao để đạt hiệu quả tối đa nhất là điều không phải ai cũng biết.

Trong lần trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ cách đây vài năm, khi được hỏi về thói quen đọc sách, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết ông thích đọc sách và đọc rất nhiều. Chủ tịch Vingroup cũng bật mí rằng cách đọc của ông khác người khác là thường xem mục lục, xem mục nào hay thì đọc, cái nào mà không hiểu hoặc thấy quan trọng thì có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.

"Ngày còn nhỏ tôi thích sử, đọc sách sử. Bố tôi rất tự hào về con trai vì Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê mình thuộc làu làu. Nhưng khi lớn lên thì chuyển dần. Hồi đại học thích đọc tiểu thuyết, còn bây giờ là sách quản trị và sách công nghệ. Sách công nghệ thì không phải là chi tiết về công nghệ, mà là xu hướng, những tổng kết về công nghệ", chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ.

Một điều khá thú vị là ông Vượng cũng không ép mình phải đọc sách hàng ngày mà thường "tùy duyên". Ông cho biết hôm nào không quá mệt thì đọc, còn nếu không thì ngồi xem tivi cùng với con gái một lúc, rồi đi ngủ.

Tương tự chủ tịch Phạm Nhật Vượng, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết mình cũng thường có thói quen đọc sách trước khi đi đi ngủ. Sách là đam mê từ bé của nhà sáng lập hãng hàng không ViejetAir.

Đọc được sách đã là thói quen tốt nhưng còn cần tư duy phản biện khi đọc sách. Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên VnExpress, ông Vượng cho biết mình đọc sách, thích sách nhưng nhiều khi không làm theo sách. Ví dụ với cuốn sách ông cực yêu thích là "Từ tốt đến vĩ đại", ông cho rằng khái niệm "con nhím" cũng chưa thật sự hoàn hảo. Bởi vì nếu đạt được cả 3 vòng tròn của khái niệm này: làm việc bạn đam mê nhất, làm việc bạn có thể làm giỏi nhất thế giới và làm việc có hiệu quả kinh tế rõ nét thì không còn gì phải bàn nữa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm