Doanh nhân

Tỷ phú giàu nhất Nga cảnh báo quốc gia có thể quay lại thời kỳ 100 năm trước nếu chính phủ vẫn làm điều này

Một trong những doanh nhân giàu nhất nước Nga Vladimir Potanin đã cảnh báo Điện Kremlin không nên tịch thu tài sản của các công ty đã rời bỏ họ sau cuộc xung đột tại Ukraine. Ông tin rằng một bước đi như vậy sẽ khiến đất nước này quay trở lại lịch sử hơn 100 năm trước, theo CNN.

"Nước Nga có thể quay trở lại thời kỳ 100 năm trước"

Vladimir Potanin, chủ tịch của tập đoàn kim loại khổng lồ Norilsk Nickel (NILSY) và là cổ đông lớn nhất của công ty, nói rằng Nga có nguy cơ quay trở lại những ngày hỗn loạn của cuộc cách mạng năm 1917 nếu họ đóng sập cánh cửa đối với các công ty và nhà đầu tư phương Tây. Ông kêu gọi chính phủ Nga nên tiến hành các biện pháp hết sức thận trọng đối với việc tịch thu tài sản.

"Thứ nhất, chúng ta sẽ lùi lại một trăm năm, trở lại năm 1917. Hậu quả của một bước đi như vậy sẽ gây ra sự mất lòng tin trên toàn cầu đối với Nga từ phía các nhà đầu tư, điều mà chúng ta sẽ phải trải qua trong nhiều thập kỷ", ông Potanin chia sẻ trên tài khoản Telegram của Norilsk Nickel.

"Thứ hai, quyết định đình chỉ hoạt động của nhiều công ty ở Nga, theo tôi là hơi cảm tính và có thể được coi là kết quả của áp lực chưa từng có đối với họ từ dư luận nước ngoài. Vì vậy, rất có thể họ sẽ quay trở lại. Theo quan điểm cá nhân, tôi sẽ giữ một cơ hội như vậy cho họ", ông nói thêm.

Tỷ phú giàu nhất Nga cảnh báo quốc gia có thể quay lại thời kỳ 100 năm trước nếu chính phủ vẫn làm điều này - Ảnh 1.

Ông Vladimir Potanin (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Get Articles Today).

Ông Vladimir Potanin là tỷ phú giàu nhất của Nga và hiện đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 22,5 tỷ USD, mặc dù khối tài ròng đã "bốc hơi" 1/4 giá trị trong năm nay do giá cổ phiếu Norilsk Nickel leo dốc, theo Bloomberg Billionaires Index. Giá cổ phiếu của công ty tại London đã giảm hơn 90% giá trị trước khi bị đóng băng giao dịch trong tháng này, mặc dù giá hàng hóa của công ty vẫn tăng vọt.

Norilsk Nickel là nhà sản xuất palađi và niken cao cấp lớn nhất thế giới, cũng như là nhà sản xuất bạch kim và đồng lớn của Nga. Công ty cùng các sản phẩm chính của họ đã thoát khỏi các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt, thứ đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga nói chung và giới tỷ phú Nga nói riêng.

Hàng chục công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã từ bỏ các công ty liên doanh, nhà máy, cửa hàng, văn phòng và các tài sản khác trong hai tuần qua để đáp trả việc Nga mở "chiến dịch đặc biệt" nhằm vào Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt từ Nga.

Những tổ chức tài chính như Goldman Sachs và JPMorgan là những ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây tuyên bố sẽ rời khỏi Nga hoàn toàn kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra vào tháng Hai.

Đưa ra các biện pháp đáp trả có thể là hành động không khôn ngoan

Ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông ủng hộ kế hoạch giới thiệu "quản lý bên ngoài" đối với các công ty nước ngoài rời khỏi thị trường Nga.

"Chúng ta cần phải hành động dứt khoát với những công ty sắp đóng cửa sản xuất. Nếu cần thiết thì chúng tôi sẽ giới thiệu quản lý bên ngoài và sau đó chuyển các doanh nghiệp này cho những người muốn làm việc cùng", ông Putin nói trên một đoạn video được Điện Kremlin đăng tải và phát sóng trên phương tiện truyền thông nhà nước.

Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nga đã lập một danh sách các công ty đã quyết định rời bỏ và có thể bị quốc hữu hóa, theo một báo cáo trên tờ Izvestiya của Nga sau đó được hãng thông tấn nhà nước TASS trích dẫn.

Tài liệu được cho là đã được gửi tới chính phủ Nga cùng Văn phòng Tổng công tố, bao gồm 59 công ty, trong đó có cả những ông lớn trong nhiều lĩnh vực như Volkswagen, Apple, IKEA, Microsoft, IBM, Shell, McDonald's, Porsche, Toyota, H&M,… Danh sách này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, theo Izvestiya.

Tỷ phú giàu nhất Nga cảnh báo quốc gia có thể quay lại thời kỳ 100 năm trước nếu chính phủ vẫn làm điều này - Ảnh 2.

Apple nằm trong danh sách các doanh nghiệp có thể bị quốc hữu hóa. (Ảnh: Blaze Trends).

Tỷ phú Potanin cho biết các doanh nghiệp không hề vui khi nói về việc quốc hữu hóa tài sản của phương Tây, nhưng đề xuất của Điện Kremlin có thể cho phép "chủ sở hữu nắm giữ tài sản và các công ty để tránh sụp đổ, tiếp tục sản xuất sản phẩm và trả tiền cho nhân viên."

"Tôi hiểu rằng trước những hạn chế kinh tế nhắm vào Nga, chính phủ mong muốn đưa ra những biện pháp nhằm đáp trả các hành động đó. Tuy nhiên, dựa trên ví dụ của các nước phương Tây, chúng ta thấy rằng nền kinh tế của các nước này phải gánh chịu hậu quả từ việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Chúng ta phải khôn ngoan hơn và tránh một kịch bản mà các lệnh trừng phạt trả đũa giáng xuống chính mình", ông Potanin nhấn mạnh.

Ông cũng kêu gọi chính phủ Nga nới lỏng các hạn chế đối với các đồng ngoại tệ để có thể trả lãi trái phiếu và các khoản vay nước ngoài. Nếu không, quốc gia này sẽ đối mặt với rủi ro vỡ nợ đối với toàn bộ khoản vay nước ngoài của mình, được ông Potanin ước tính rơi vào khoảng 480 tỷ USD.

Tỷ phú Vladimir Potanin từng giữ chức Phó thủ tướng của chính phủ Liên bang Nga. Ông cũng là một trong những tỷ phú Nga không nằm trong danh sách các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm