Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có đề nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung hai nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023. Trong đó, có nội dung xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các NHTM cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý.
HoREA đề xuất hỗ trợ trên áp dụng với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá không quá 1,8 tỷ đồng/căn và có cơ chế tương tự như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ của năm 2013.
Trong chương trình Landshow của VTV Money cuối tuần qua, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, cho rằng có những điểm giống và khác của đề xuất lần này với gói 30.000 tỷ ở năm 2013. Bà nhận định một điểm khác biệt là tính khả thi của việc hỗ trợ lãi suất ở thời điểm này chưa cao.
Theo chuyên gia, Chính phủ luôn quan tâm và có những chỉ đạo về việc cho vay vốn ưu đãi với khu vực nhà ở xã hội. Điều này thể hiện thông qua Nghị định số 100 năm 2015 và sửa đổi, bổ sung ở Nghị định số 49 năm 2021 của Chính phủ.
Theo Nghị định 49, vấn đề cho vay để mua, thuê nhà ở xã hội được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội và một số các tổ chức tín dụng được chỉ định. Nhưng thực chất, ưu đãi tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp có doanh số cho vay khoảng hơn 10.000 tỷ đồng và dư nợ khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Còn đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay trong lĩnh vực này thì chưa giải ngân được do phần hỗ trợ hay bù lãi suất đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo PGS. Hoàng Anh, đề xuất này cũng là một cái giải pháp. Tuy nhiên, để đưa giải pháp này vào thực tế thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Trong đó, cơ sở nào để xác định được giá trị 1,8 tỷ đồng là phù hợp. Có tính toán dựa theo lạm phát hay không. Nhưng thực tế mức tăng lạm phát không thể bằng mức tăng giá của thị trường bất động sản, cũng như mức tăng thu nhập trong thời gian qua. Kế đến, chuyên gia đặt vấn đề nguồn hỗ trợ lãi suất sẽ lấy từ đâu, đây cũng là vấn đề rất khó khăn.
Chia sẻ cùng quan điểm với PGS. Hoàng Anh, theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng đề xuất của HoREA là điểm tham khảo đáng chú ý.
Tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí nào để xác định một căn hộ, nhà ở xã hội là 1,8 tỷ và các nhà đầu tư đã có lãi với mức giá đó chưa.
Theo ông, có rất nhiều chi phí trong vấn đề đất đai. Giải quyết các thủ tục về đất đai không chỉ là những nghĩa vụ được quy định trong luật, còn có những chi phí nằm ngoài quy định mà không nói thì những người tham gia thực tế ai cũng biết.
Cho dù có những ưu đãi của Nhà nước thì nhà đầu tư đã đầu tư kể cả là nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại thì phải có lợi nhuận. Mà từng địa phương lại có đặc điểm khác nhau, cách tiếp cận đất đai khác nhau, chi phí không chính thức khác nhau nên không thể đánh đồng 1,8 tỷ cho tất cả các dự án.
"Giá hay nguồn vốn chỉ là một khía cạnh, còn rất nhiều những vấn đề khác." PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến nói.