Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính ngày 19/12.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải cộng tác trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Trong đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch đề ra.
Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã quá nới lỏng các điều kiện, dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết; các cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 65 nhằm mục đích chấn chỉnh lại, nhưng lại quy định theo hướng quá siết chặt, do đó, cần thiết phải tiến hành sửa đổi phù hợp.
Liên quan đến việc sửa đổi các quy định về trái phiếu doanh nghiệp, mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 và Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Dự thảo đã đưa ra một số thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt về trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và phân phối trái phiếu trong vòng một năm, tức vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến 1/1/2024.
Dự thảo cũng cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ có thể được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm, cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.
Ở góc độ chuyên gia, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi Nghị định 65 theo hướng phù hợp mục tiêu tổng thể, đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn huy động từ trái phiếu. Tuy nhiên, vẫn cần quản lý những rủi ro tài chính tổng thể, xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phù hợp.
Theo đại diện IMF, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 vừa được Bộ Tài chính đưa ra tập trung vào ba điểm chính gồm nới thời hạn trái phiếu đã phát hành, lùi hạn nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm. Như vậy là tập trung vào giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, linh hoạt trong việc đảm bảo thanh toán cho các đợt phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, đại diện IMF nhấn mạnh rằng, điều này giải quyết được những mối quan ngại của các bên phát hành nhưng đồng thời lại mâu thuẫn với những điểm then chốt khác như bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.