Liên quan việc lãi suất thấp nhưng tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng 1-2024 và định hướng đẩy vốn lãi suất thấp "đúng, trúng" ra nền kinh tế, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú về chủ đề này.
. Phóng viên: Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng tháng 1-2024 giảm 0,6% so với cuối năm 2023, trong bối cảnh các ngân hàng đồng loạt tung gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, theo ông vì sao?
- Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam ĐÀO MINH TÚ: Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã triển khai các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, có điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế, thông báo sớm để các ngân hàng chủ động xây dựng kế hoạch và cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế.
Sau 1 tháng triển khai đầu năm 2024, số liệu thực tế cho thấy có ngân hàng tăng, có ngân hàng giảm, nhìn chung tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là giảm. Theo các ngân hàng thương mại (NHTM), việc tăng trưởng tín dụng giảm có nguyên nhân là do tính quy luật - nhu cầu vốn thường giảm trong dịp Tết Nguyên đán. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…
. Việc tăng trưởng tín dụng và đẩy vốn ra nền kinh tế hiện nay có vẻ không liên quan chuyện lãi suất, vì nói như các ngân hàng thì chưa bao giờ lãi suất cho vay thấp như bây giờ?
- Như đã nói, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chưa tăng trong tháng đầu năm 2024 dù lãi suất cho vay thấp chưa từng có là bởi nhu cầu vốn thường giảm dịp Tết. Thống kê của NHNN cho thấy đến ngày 31-1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh của NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng cần tập trung vào những giải pháp cụ thể, có thể định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo chỉ đạo của Chính phủ. Chẳng hạn, gói 15.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giải ngân 100%. Do đó, NHNN khuyến khích các ngân hàng nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỉ đồng, và triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
. Tại hội nghị toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng năm 2024, nhiều ngân hàng tiếp tục kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023 hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại nợ. Quan điểm của NHNN về vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNN cũng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với những ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các dự án trọng điểm, động lực tăng trưởng. Riêng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được thực hiện theo Thông tư 02/2023.
Cần thiết thì gia hạn thực hiện Thông tư 02 nhưng vấn đề là thêm 6 tháng hay 1 năm phải được xem xét kỹ. Việc tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cần bảo đảm đúng quy định. Quan điểm là gia hạn trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa, vừa hỗ trợ DN và người dân nhưng cũng vừa kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách; không che giấu nợ xấu, không đẩy rủi ro mất vốn của NHTM về tương lai.
. Theo quan điểm của NHNN, tăng trưởng tín dụng "đúng, trúng" mục tiêu sẽ hướng tới những lĩnh vực nào?
- Ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Ngành ngân hàng định hướng nắn dòng vốn vào các lĩnh vực, dự án xanh; vốn cho các ngành hàng thiết yếu của nền kinh tế và vốn cho nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.
. Riêng bất động sản, DN và thị trường rất quan tâm quan điểm của NHNN về vốn tín dụng đối với lĩnh vực này?
- NHNN đã nhiều lần khẳng định không siết vốn cho vay lĩnh vực bất động sản. Đối với lĩnh vực này, ngân hàng cần tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp, như dự án đủ điều kiện, dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại... Các ngân hàng cần chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở.
Các ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, các ngân hàng cần tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng; tối ưu hóa, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng cho phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất - kinh doanh của người dân và DN.