Trong nhiều năm, Nvidia kiếm được phần lớn tiền từ việc bán card đồ họa và là cái tên quen thuộc với giới game thủ khắp thế giới.
Ngày nay, tập đoàn có trụ sở tại California (Mỹ) này vẫn bỏ túi hàng tỉ USD từ card đồ họa, nhưng chip trí tuệ nhân tạo (AI) mới được xem là con gà đẻ trứng vàng mới của họ.
Mốc son 2.000 tỉ USD
Tuần qua chắc chắn là thời gian đáng nhớ của nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Jensen Huang của Nvidia. Ngày 22-2, Nvidia đưa lĩnh vực công nghệ trở thành tâm điểm chú ý sau khi cổ phiếu tăng 16,4% chỉ sau một đêm, giúp giá trị thị trường của công ty tăng thêm 277 tỉ USD.
Đây là mức tăng trong một ngày kỷ lục ở Phố Wall (Mỹ). Kết quả đầy tích cực này đã tạo ra một làn sóng đầy hứng khởi lan khắp các cổ phiếu công nghệ khác trên các sàn chứng khoán lớn của thế giới.
Đến ngày 23-2, một dấu son đáng nhớ trong lịch sử của Nvidia đã được thiết lập, khi lần đầu tiên giá trị thị trường của công ty cán mốc 2.000 tỉ USD trong một thời gian ngắn, trước khi trở lại mức trên 1.963 tỉ USD.
Mặc dù vậy, Nvidia vẫn là công ty công nghệ có giá trị thị trường lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Microsoft và Apple.
Mức tăng ấn tượng đã thúc đẩy hàng loạt báo đài lớn tìm cách giải mã về "hiện tượng" Nvidia và phần lớn đều có cùng một câu trả lời: sự bùng nổ của AI và lợi thế gần như vô đối của Nivdia trong việc cung cấp các thiết bị nền tảng cho ứng dụng AI.
Theo tờ Financial Times, nhờ cuộc chạy đua AI, Nvidia đã nhanh chóng bước chân vào hàng những công ty công nghệ có giá trị nhất nước Mỹ và thế giới.
Những con chip của Nvidia trở thành một phần trong các chương trình đào tạo và chạy mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho AI.
Hãng tin Reuters thì ví von sự phát triển nhanh chóng của Nvidia giống như thành công của các nhà cung cấp cuốc và xẻng trong cơn sốt vàng những năm 1800 ở Mỹ.
Ngày nay, hầu như mọi công ty công nghệ lớn, bao gồm Amazon, Google, Meta, Microsoft và Oracle, đều sử dụng chip Nvidia.
Sự bùng nổ của AI vẫn đang trong giai đoạn đầu và có nhiều lạc quan về tương lai của những công ty chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng AI như Nvidia.
Bí quyết thành công và thách thức
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNBC năm ngoái, CEO Huang của Nvidia đã tâm sự rằng may mắn và kỹ năng đã giúp công ty thành công. Nhưng để có được như ngày nay là một quá trình đi tiên phong của Nvidia trong AI.
Khi công ty ra đời, Intel và Advanced Micro Devices là những cái tên đã thống trị lĩnh vực chip của Mỹ trong hàng chục năm. Sự gia nhập của Nvidia báo hiệu sự ra đời của các bộ xử lý đồ họa (GPU) phức tạp, có khả năng hiển thị hình ảnh tốt hơn.
Lúc đầu, Nvidia chủ yếu cung cấp bộ GPU cho máy chơi game điện tử như Microsoft Xbox và Sony PlayStation. Sự phát triển chung của Thung lũng Silicon trong những năm 2010 đã thúc đẩy Nvidia đa dạng hóa khách hàng của mình.
Ví dụ: vào năm 2014, Nvidia và Google đã bắt tay để sử dụng chip Nvidia trong Google Chromebook.
Các công ty ô tô cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng chip Nvidia cho các phần mềm hỗ trợ người lái phụ thuộc vào GPU để xử lý thông tin hình ảnh từ cảm biến. Ngày nay, phần cứng của Nvidia được tìm thấy trên tất cả các xe Tesla.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, việc chuyển sang làm việc từ xa và nhu cầu về các trung tâm dữ liệu có thể kích hoạt điện toán đám mây, cộng với nhiều người tìm đến các trò chơi điện tử khi bị phong tỏa đã thúc đẩy doanh thu của Nvidia hơn nữa.
Thành công là vậy nhưng Nvidia không dừng ở card đồ họa mà chuyển hướng sang AI. Vào năm ngoái, trước khi trở thành "hiện tượng" trên sàn chứng khoán, lãnh đạo Nvidia đã đưa ra một tuyên bố đầy quyết tâm: tập đoàn này không còn là một công ty đồ họa, mà đã trở thành một công ty chuyên về AI.
Các con chip mà Nvidia chuyên sản xuất hiện tại, được gọi là GPU "rời", chuyên về cái gọi là điện toán song song. Đây là một loại tính toán trong đó nhiều quy trình được thực hiện đồng thời.
Ngược lại, CPU thực hiện các chương trình một cách tuần tự. Do đó, loại xử lý GPU tính toán hiệu quả hơn và có giá trị hơn CPU. Với các lập trình viên, GPU của Nvidia phù hợp hơn nhiều để lập trình phần mềm AI và con chip H100 của Nvidia được xem là lựa chọn tốt nhất, mạnh nhất cho các công ty đang mong muốn tiến nhanh trong lĩnh vực AI tạo sinh.
Sự xuất hiện của ChatGPT vào tháng 11-2022 đã tạo ra nhu cầu lớn ngay lập tức và cuộc đua về AI tạo sinh. Nhưng Nvidia đã đi trước, khi công bố H100 vào đầu năm 2022.
Và sau thành công bất ngờ của ChatGPT, tất cả đều tìm đến H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất từng chế tạo và cũng là một trong những chip đắt nhất hiện nay được ông Huang mô tả là "hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI".
Như vậy sự thành công của Nvidia hiện nay không chỉ đến từ việc đi tiên phong trong các ứng dụng AI mà còn nhờ vào nhu cầu lớn khi nhân loại bước vào kỷ nguyên AI. Những kẻ thách thức Nvidia cũng đang bắt đầu xuất hiện.
Ba công ty đám mây lớn - Microsoft, Amazon và Google - muốn từ khách hàng của Nvidia trở thành đối thủ cạnh tranh và cả ba đều đã thiết kế chip của riêng mình. AMD, đối thủ truyền thống của Nvidia, cũng đang bắt tay vào việc tạo ra những sản phẩm theo kịp hiệu suất các con chip tốt nhất của Nvidia.
Nvidia vẫn sẽ dẫn đầu trong năm 2024
Theo Financial Times, ngay cả khi các đối thủ cạnh tranh có thể tạo ra chip sánh ngang một số sản phẩm riêng lẻ của Nvidia, không có hệ thống sản phẩm nào sánh được với hệ sinh thái nền tảng AI với nhiều loại chip, hệ thống và công cụ phần mềm mà Nvidia đã xây dựng. Vì vậy, ít nhất là trong năm 2024, có thể Nvidia sẽ vẫn đứng đầu. Nhưng với quy mô của thị trường tiềm năng cho AI, cũng như tham vọng của những gã khổng lồ công nghệ đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường này, Nvidia sẽ phải nỗ lực rất nhiều để duy trì vị trí số 1.