Chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi trong thời gian dài có thể dẫn đến hoại tử xương và sụn, gây ra tình trạng hoại tử chỏm xương đùi. ThS.BS Hồ Đức Lộc, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh không được điều trị có thể làm mất chức năng khớp háng, nguy cơ tàn phế rất cao. Dấu hiệu đặc trưng và thường xuất hiện đầu tiên của hoại tử chỏm xương đùi là đau khớp háng. Cơn đau xuất hiện ở mặt trong vùng bẹn, lan xuống mặt trong đùi, một số trường hợp đau ở vùng mông. Đau nghiêm trọng hơn khi vận động, đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi.
Nguyên nhân là do tình trạng hoại tử làm biến dạng, tiêu xương chỏm xương đùi, gãy các xương dưới sụn và sập chỏm xương đùi. Sau khi chỏm xương đùi sập xuống, sụn khớp phải chịu lực rất lớn nên nhanh chóng hao mòn, các đầu xương ma sát vào nhau khi chuyển động, khiến người bệnh cảm thấy đau hơn và giảm tầm vận động. Người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện các động tác xoay trong, xoay ngoài, giạng hoặc khép chân..., không thể tự bước lên xe máy, đi khập khiễng, gần như không thể ngồi xổm.

Bác sĩ Lộc giải thích tình trạng chức năng khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Lộc, ở giai đoạn đầu, hoại tử chỏm xương đùi không có triệu chứng rõ rệt nên rất khó phát hiện. Do đó, người có nguy cơ cao mắc bệnh nên chú ý các dấu hiệu bất thường dưới đây để kịp thời đi khám và điều trị.
Chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi... gây đứt hoặc chèn ép các mạch máu nuôi xương. Tình trạng này làm cho những tế bào xương, tủy xương bị thiếu máu, thiếu oxy nuôi dưỡng và chết dần, từ đó gây hoại tử chỏm xương đùi. Bệnh thường xuất hiện sau chấn thương khoảng hai năm.
Dùng corticosteroid thời gian dài bằng đường uống hoặc tiêm để điều trị các bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ hoại tử xương. Nguyên nhân là do chất này đẩy nhanh quá trình hủy xương, nhưng ức chế tạo xương, gây mất xương sớm và nhanh chóng.
Lạm dụng rượu bia có thể khiến chất béo tích tụ trong mạch máu, làm giảm lưu lượng máu tới xương.
Một số yếu tố khác như nam giới, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid... cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bác sĩ Lộc phẫu thuật thay khớp háng, điều trị hoại tử chỏm xương đùi. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Hoại tử chỏm xương đùi là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tùy mức độ hoại tử, bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp. Ở giai đoạn đầu, người bệnh được điều trị bảo tồn bằng thuốc nhằm giảm đau, hỗ trợ phục hồi xương, kết hợp vật lý trị liệu như trường điện từ, sóng âm để tăng cường tuần hoàn máu...
Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh được chỉ định can thiệp bằng khoan giải ép để tạo đường dẫn giúp máu lưu thông vào xương hoặc thay khớp háng để khôi phục vận động. Thay khớp háng hiện là phẫu thuật thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Với những kỹ thuật mổ như SuperPATH, ABMS, DAA..., người bệnh có thể đi lại sau 1-3 ngày điều trị nhờ các nhóm cơ được bảo tồn tối đa, ít đau và ít máu.
Mọi người nên phòng ngừa bệnh bằng cách hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, vận động thường xuyên để duy trì lưu thông máu đến xương khớp... Người bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh như đau khớp háng kéo dài, khó cử động chân.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |