Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2023 ước tăng khoảng 4,2%-4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến lạm phát cơ bản cho thấy đang có xu hướng giảm tốc, trừ tháng 1/2023 trùng với dịp Tết Nguyên đán nên xu hướng tăng cao.
Trong khi lạm phát có xu hướng giảm thì nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn và dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Và mặc dù, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn mức 8% của năm ngoái, song theo các chuyên gia, con số 6,5% được đưa ra cũng khó mà đạt được.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright dự báo con số tăng trưởng quý I sắp công bố sẽ rất thấp và quý II tiếp tục thấp dù có sự cải thiện, tăng trưởng cả năm chỉ khoảng 5,5%.
Các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF cũng đánh giá Việt Nam khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đề ra.
Để đạt được mục tiêu này, chỉ thúc đẩy đầu tư công như hiện nay là không đủ. Vì vậy, không nên quá cứng nhắc với mục tiêu lạm phát mà phải chấp nhận lạm phát cao hơn một chút để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn.
Đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, nền kinh tế hiện nay vừa bị áp lực về lạm phát nhưng cũng bị áp lực bởi tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, để chọn tăng trưởng thì bắt buộc phải đánh đổi lạm phát.
Sức khoẻ của nền kinh tế đang yếu đi, sức cầu nền kinh tế đang yếu, vì vậy, lạm phát không phải một vấn đề quá gay gắt trong thời điểm này mà nên ưu tiên cho tăng trưởng và có thể chấp nhận lạm phát năm nay cao hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng, ông Huân nói.
Khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản vì môi trường lãi suất quá cao thì hệ luỵ của nó là rất lớn. Để phục hồi nền kinh tế sau giai đoạn đó sẽ tốn một thời gian và nguồn lực rất lớn. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là cứu các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Cỗ xe đang chạy tốt đột nhiên thắng lại nên khi muốn chạy tiếp buộc phải tạo đà”, ông Huân so sánh.
Phân tích về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, ông Huân cho hay, phải chấp nhận hy sinh một phần lạm phát để đổi lấy tăng trưởng.
"Năm ngoái, chúng ta kiểm soát lạm phát rất chặt nhưng vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng chủ yếu là do mức nền thấp của năm trước", ông Huân nói
Mặc dù lạm phát đạt được mục tiêu nhưng đã là đỉnh của tăng trưởng và chắc chắn năm nay không thể đạt mức cao như vậy. Bên cạnh đó, tăng trưởng cũng có độ trễ, do siết lạm phát quá chặt vào năm ngoái nên năm nay tăng trưởng sẽ thấp, nếu năm nay cũng siết thì năm sau tăng trưởng chắc chắn còn thấp hơn nữa.
Cần chấp nhận mức lạm phát cao hơn để hỗ trợ tăng trưởng
Nhìn vào khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không phải khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2022 mà là Malaysia. Các quốc gia khác tốc độ tăng trưởng đều cao, chẳng hạn như Thái Lan, họ phục hồi được du lịch và du lịch đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng.
Việt Nam đang có khả năng trở thành nền kinh tế đứng thứ ba trong ASEAN năm 2023, theo dự báo của World Bank nhưng điều kiện bắt buộc là chúng ta phải duy trì được mặt bằng tăng trưởng cao. Để Việt Nam có thể vươn lên top ba và top hai ASEAN thì bắt buộc tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt từ 7-8% trong năm tiếp theo, chuyên gia phân tích.
Một điểm nữa theo ông Huân là Việt Nam mới là quốc gia đang phát triển chứ không phải quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu để lo sợ lạm phát quá cao. "Chúng ta là nước đang phát triển và nên chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn so với Mỹ", ông nói.
Nếu Mỹ đặt lạm phát mục tiêu ở khoảng 2% thì Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên chấp nhận mức lạm phát 6-7% để có dư địa tăng trưởng. Ở mức lạm phát dưới hai con số thì vẫn thúc đẩy được cho tăng trưởng, cần có độ mở về lạm phát nhất định.
Chuyên gia khuyến nghị, trong năm nay, lạm phát có thể cao hơn mức bình thường để ổn định lại tốc độ tăng trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng chỉ ra rằng, ngay từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Điều này cho thấy, năm nay Chính phủ sẽ không tiếp tục thắt chặt tiền tệ như năm ngoái và chấp nhận một mức lạm phát cao hơn để thực hiện được việc chuyển sang hỗ trợ tiền tệ.
Ông cũng nhắc đến câu chuyện áp lực của Chính phủ là phải đạt mức tăng trưởng 6,5% để hoàn thành mục tiêu 5 năm. Vì vậy, ngoài đầu tư công thì buộc phải cần đến câu chuyện chính sách tiền tệ, tiền phải được bơm ra.
Năm ngoái là giai đoạn mở cửa hậu COVID-19, tốc độ tăng trưởng sẽ rất cao nên Chính phủ phải tập trung vào câu chuyện kiểm soát lạm phát, thắt chặt tiền tệ nhưng năm nay sẽ là câu chuyện đảo ngược.
Theo ông Thành, khác với năm ngoái có mức nền rất thấp, mục tiêu tăng trưởng dễ dàng đạt được nhưng năm nay sẽ không dễ gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Đây cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất điều hành và một trong những lý do buộc phải giảm lãi suất là để thúc đẩy tăng trưởng.
Bởi với mức lãi suất này, doanh nghiệp rất khó khăn mà doanh nghiệp khó khăn thì sẽ không có động lực để tăng trưởng. Vì vậy, theo ông Thành vừa phải dùng chính sách tài khoá thông qua đầu tư công vừa phải chuyển hướng chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia khi bơm tiền ra mạnh luôn có rủi ro lạm phát, đây là điều khiến NHNN không mạnh tay hạ lãi suất. Chính sách tiền tệ nên nới lỏng từ từ, không nên quá nóng vội để giảm lãi suất bằng mọi giá.