Kinh tế sắp đi qua quý I đầu năm với các con số tăng trưởng sẽ được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29/3 tới đây. Dự báo về tình hình kinh tế quý I, nhiều chuyên gia, tổ chức đêù chung nhận định không quá tích cực.
Tại hội thảo "Chứng khoán 2023 - La bàn giữa vùng biến động” do Chứng khoán Yuanta tổ chức sáng ngày 25/3, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục khó khăn và lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể cao được.
“Năm ngoái, dù khó khăn nhưng chúng ta có tác động từ sự hồi phục hậu COVID-19, năm nay tăng trưởng sẽ thấp hơn rất nhiều”, ông Thành nhận định.
Theo chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay là rất khó khăn. Ông dự báo con số tăng trưởng trong năm nay ở mức 5,5% và tăng trưởng trong quý I sẽ rất thấp, quý II vẫn tiếp tục thấp dù có sự cải thiện.
Dù vậy, nền kinh tế sẽ giữ được sự ổn định và khi giữ được ổn định thì sự hồi phục có thể diễn ra rất nhanh khi đáp ứng được các điều kiện cả bên trong lẫn bên ngoài.
Lý giải về nhận định tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đề ra, ông Thành cho biết, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ mất đi hai động lực, do đó khiến tăng trưởng thấp.
Thứ nhất là xuất khẩu, năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và điều này đã có thể quan sát được từ quý IV năm ngoái. Thứ hai, các ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo hướng vào xuất khẩu cũng sẽ yếu đi trong năm nay.
Trước đó, trong các báo cáo vĩ mô tháng 2, một số tổ chức trong nước cũng đưa ra dự báo tăng trưởng quý I. Cụ thể, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng trưởng quý I trong khoảng 5%-5,4% và đánh giá nhìn chung các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi.
Chứng khoán VNDirect dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý đầu tiên của năm 2023, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,9% trong quý IV/2022. Khối phân tích cũng kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng tốc dần trong các quý còn lại của năm 2023. Cụ thể, quý II dự báo tăng 6%, quý III và quý IV lần lượt tăng 6,3% và 6,8%.
Trong khi đó, Chứng khoán Maybank (MBKE) dự báo thận trọng hơn với mức tăng khoảng 4,8% với sự suy giảm sản xuất do xuất khẩu sụt giảm trong khi các dịch vụ phục vụ trực tiếp vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ ổn định và lượng khách du lịch phục hồi.
Lý giải các chỉ số vĩ mô trong quý I và quý II sẽ tiêu cực, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng do yếu tố độ trễ của chính sách thắt chặt. "Những chỉ số tiêu cực hiện tại chính là phản ánh của đợt tăng lãi suất năm ngoái", ông nói.
Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 0,5 - 1 điểm %, áp dụng kể từ ngày 15/3, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, các giải pháp, chính sách này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng luôn có độ trễ. Dự báo, cuối quý II, đầu quý III, các chính sách mới bắt đầu thẩm thấu và hỗ trợ sự đi lên của nền kinh tế.