Vì sao nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động kém hiệu quả?
Phát biểu tranh luận Nguyễn Thị Kim Bé đoàn Kiên Giang cho biết Bộ trưởng Công thương khẳng định nguồn cung xăng dầu của Việt Nam không thiếu nhưng đang dựa vào nhập khẩu. Tuy nhiên, đại biểu đặt câu hỏi về vai trò, vị trí của các nhà máy lọc dầu trong nước như thế nào trong việc bình ổn, chủ động hơn trong điều hành giá và nguồn cung. Ngoài quỹ bình ổn, Đại biểu cũng hỏi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về những giải pháp căn cơ để ổn định, quản lý tốt hơn xăng dầu trên thị trường?
Trả lời Đại biểu Bé, Bộ trưởng Diên nhấn nhấn mạnh câu hỏi tranh luận này rất xác đáng, đúng và cũng là ẩn số mà Bộ đang tìm để có thể giải bài toàn ổn định nguồn cung xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi chưa có nhà máy lọc dầu, Việt Nam cũng chưa bao giờ thiếu xăng, dầu.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé.
"Các nước bên cạnh chúng ta không có nhà máy lọc dầu nhưng cũng không thiếu xăng dầu. Tuy nhiên, ngay cả các nước có nhà máy lọc dầu, giá xăng dầu của họ, nếu không áp dụng chính sách thuế hoặc quỹ bình ổn, cũng không thể có cái giá chênh lệch quá lớn so với giá thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Trong số các nhà máy lọc dầu đang hoạt động, Bộ trưởng cho biết nhà máy Bình Sơn do tập đoàn EVN đầu tư, sản xuất hoạt động tương đối ổn định nhưng công xuất chỉ đủ cung ứng ra thị trường 30-35% nhu cầu. Nghi Sơn thì là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài nên hoạt động không hiệu quả.
"Lý do vì sao Nghi Sơn khó khăn, tôi xin trả lời là bắt nguồn từ nội tại. Tôi được biết PVN, với tư cách 1 bên tham gia liên doanh này, đã báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình của nhà máy. Các bên đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu 2 liên doanh kia thực hiện đúng cam kết cung ứng xăng dầu ra thị trường trong nước", Bộ trưởng Diên nói.
Cũng theo PVN, nguyên liệu đầu vào của nhà máy Nghi Sơn là dầu thô nhập từ Kuwait. Khi giá cả thế giới biến động, khan hiếm nguồn cung trong khi chính doanh nghiệp lại đối mặt khó khăn về tài chính thì rất khó để hoạt động tốt.
"Tới khi nào, PVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cam kết trước Bộ Công thương rằng sản lượng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể cung ứng được như họ cam kết thì Bộ mới ngừng nhập khẩu xăng dầu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Có hay không tình trạng đầu mối xăng dầu tổng găm hàng chờ tăng giá?
Cũng trong phần tranh luận, Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp cho biết dư luận cho rằng tình trạng găm hàng, khiến người dân không thể mua được xăng dầu, bắt nguồn từ các đại lý tổng chứ không chỉ do các doanh nghiệp phân phối xăng dầu tới người dân. Việc các cây xăng găm hàng chờ tăng giá cũng chỉ là nhỏ lẻ.
"Tôi tìm hiểu một số đại lý và hỏi tại sao không bán hàng, người ta nói không có xăng dầu lấy gì bán. Nguồn cung từ nhà điều hành cấp vĩ mô không cung cấp xuống nên các cây xăng, đại lý không có xăng mà bán. Việc găm hàng ở tuyến vĩ mô chứ không phải đại lý. Chuyện này có hay không? Xin bộ trưởng cho biết rõ chứ người dân bức xúc lắm", Đại biểu Hòa cho biết.
ĐBQH Phạm Văn Hòa.
"Trả lời phần tranh luận, Bộ trưởng cho biết qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Những nơi không có hàng, truy cho cùng, là nhận xăng dầu từ Nghi Sơn. Khi Nghi Sơn dừng đột ngột, không dễ gì mà kiếm được nguồn khác. Tuy nhiên, chúng tôi có chỉ đạo chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng khác. Chỉ sau 1 vài ngày đã được khắc phục", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời.
Về việc găm hàng ở mức độ cao hơn, Bộ trưởng cho biết Bộ đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, chưa đầy đủ dữ liệu, căn cứ nên chưa thể báo cáo.
"Tuy nhiên, tinh thần là bất cứ doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thì quy định sẽ bị xử lý. Cao nhất là rút giấy phép, đình chỉ hoạt động", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hàng lậu và thuế khủng mà mật ong Việt Nam phải gánh trên thị trường Mỹ
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đoàn Đắc Lắk thì đề cập tới tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái sôi động, nhất là trên môi trường thương mại điện tử và giải pháp từ Bộ Công thương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh nguyên nhân của tình trạng này là do lợi nhuận lớn, nhu cầu trong nhân dân vẫn cao do tâm lý xính hàng ngoại hoặc hàng rẻ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác xử lý chưa triệt để, sự phối hợp giữa các bên không tốt.
Để khắc phục những gì còn tồi tại, Bộ đã thanh tra để triệt phá các ổ nhóm tụ điểm, áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi xảy ra sai phạm trong việc xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
Về vấn đề mức thuế khủng Mỹ áp với mật ong Việt Nam cũng do đại biểu Xuân nêu, Bộ trưởng cho rằng Mỹ đã thông báo mức thuế dự kiến vào mật ong của Việt Nam rất cao. Nguyên nhân chính là do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường nên sử dụng 1 nước thứ 3 có sự phát triển kinh tế tương đương Việt Nam làm căn cứ so sánh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
"Đấy là theo quy tắc thông thường. Nhưng trường hợp này Mỹ lại lựa chọn Ấn Độ làm nước thay thế. Rõ ràng có sự phân biệt, đối xử khi chỉ áp dụng thuế với Ấn Độ ở mức 6,7% nhưng thuế của chúng ta bị tăng tới 61 lần", Bộ trưởng nói.
Về vấn đề này, bộ Công thương cũng đã có trao đổi với đặc phái viên của Mỹ. Phía Mỹ cam kết sẽ trao đổi lại với các đối tác và những chính quyền địa phương nhập khẩu nhiều mật ong Việt Nam.
"Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta phải tính tới hướng dẫn bà con, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất, chứng minh được quy trình, chi phí, bảo đảm tiêu chuẩn, chứng minh, giải đáp được câu hỏi tổ chức Mỹ đưa ra", Bộ trưởng Diên nói.