Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Lưu Mai về việc tại sao trong nhiều sắc thuế, chúng ta lại chọn giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi giá dầu thô thế giới tăng, thì giá cơ sở của chúng ta cũng tăng lên. Với giá cơ sở 130 USD/thùng với xăng RON 92, giá cơ sở là 18.855 đồng, thuế nhập khẩu 8% là 1.508 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.036 đồng và chi phí định mức 6% là 1.050 đồng và lợi nhuận định mức 300 đồng, trích Quỹ Bình ổn 300 đồng, phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng, VAT là 2.805 đồng. Như vậy, khi giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở đã là 30.800 đồng. Tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu chiếm 33,5%.
Phương án giảm thuế chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ. Khi giá dầu thô 130 USD/thùng, chúng ta giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu thì giảm số thu 31.938,6 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng Tài chính, khi giá dầu thô tăng lên thì nền kinh tế chịu thiệt hại lớn, giá càng tăng thì sản xuất càng đình trệ. Sắp tới, Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp, trước mắt là đảm bảo nguồn thu và thứ hai là chống buôn lậu xăng dầu và thứ ba giảm thuế môi trường.
"Giảm thuế môi trường là thẩm quyền của Quốc hội nên sẽ nhanh hơn, khi giá là 130 USD chúng ta đề xuất, thì hôm nay giá đã xuống 100 USD. Theo tôi, chúng ta sẽ có giải pháp linh hoạt để đảm bảo vấn đề sản xuất kinh doanh" - Bộ trưởng Phớc nói.
Về câu hỏi vì sao xăng dầu là hàng thiết yếu mà lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Phớc cũng giải đáp, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, do nhà sản xuất xăng dầu và nhà nhập khẩu nộp. Thuế này, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định, thì nhằm tiết kiệm trong việc sử dụng xăng dầu, cũng như xe cộ, ô tô... Các mặt hàng như bia rượu, thuốc lá, ô tô, xăng dầu... theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đều xác định là mặt hàng chịu thuế.
Nếu đã sử dụng hết công cụ thuế phí mà không kìm được giá xăng dầu thì phải áp dụng chính sách an sinh
Trả lời chất vấn về điều hành giá xăng dầu trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương đưa ra các giải pháp như sau:
Trước hết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).
Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí.
Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội,…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.
Biên độ giá tăng của thế giới là 40-60%, còn biên độ của chúng ta chỉ 29-40%
Trước đó, trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Công thương cho biết, trong những ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, cơ bản là do đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng lớn và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, làm thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, tăng biên độ từ 40-60%.
Trong bối cảnh đó, nguồn cung trong nước cũng gặp khó khăn, do nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn – nơi cung ứng tới 35-40% sản lượng dầu trong nước mỗi tháng - bị giảm đột ngột. Công suất của nhà máy này từ 100% giảm xuống có lúc chỉ còn 55%, thời điểm cao hơn cũng chỉ đạt 80% công suất.
Trước tình hình này, ngay từ đầu tháng 1, Bộ Công thương đã chủ động tham mưu Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt, để đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng.
Với chỉ đạo quyết liệt này, đến giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu trong nước khẳng định là đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Bởi lẽ, theo số liệu của Hiệp hội Xăng dầu và số liệu báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lúc đó tồn dư hàng trong nước còn khoảng 1,2 triệu khối. Lượng sản xuất ra từ hai nhà máy lọc dầu là 900.000 khối và nhập ở thời điểm 15/2 là 900.000 khối.
"Như vậy, chúng ta có 3 triệu khối, đủ điều kiện cung ứng đến hết tháng 3. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3, vượt sản lượng nhập khẩu bình thường. Trong điều kiện bình thường, mỗi tháng chúng ta nhập 500.000 khối, nhưng theo chỉ đạo của Bộ, thời gian này phải nhập gấp hai lần, tức 1 triệu khối trở lên. Bộ trưởng Công thương khẳng định nguồn cung không lúc nào thiếu" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Còn về giá xăng dầu, Bộ trưởng Diên cho biết, Bộ Công thương đã cùng Bộ Tài chính đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, là 10 ngày/lần, bám sát diễn biến giá thế giới: "Biên độ giá tăng của thế giới là 40-60%, còn biên độ của chúng ta chỉ 29-40%. Như thế cao nhất của chúng ta là cận dưới của thế giới, đủ thấy là chúng ta đã nỗ lực rất cao".
Để làm được điều này, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính đã thực hiện chức năng của mình, là điều hành linh hoạt quỹ bình ổn, mặc dù số dư quỹ không còn lớn, nhưng đã cố gắng đưa ra mức hỗ trợ từ 500-1.500 đồng/lít xăng dầu, thì giá xăng cũng đã giảm.
Gần đây, khi giá xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công thương cũng đã nỗ lực cùng Bộ Tài chính, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết để kiến nghị UBTVQH xem xét giảm thuế môi trường, góp phần giảm thêm giá xăng trong nước, hỗ trợ phục hồi kinh tế và không làm tăng CPI.
Cùng với hoạt động này, công tác thanh, kiểm tra của Bộ Công thương qua lực lượng Tổng cục Quản lý Thị trường, Sở Công thương các địa phương theo chỉ đạo của UBND các tỉnh đã đạt kết quả tốt.
"Thời điểm này, chúng ta có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 và xử lý vi phạm. Số vi phạm nếu so trên tổng số là rất ít, với nhiều lý do như sửa chữa, đã báo trước, nhưng cũng có găm hàng chờ tăng giá. Một số cửa hàng đóng cửa vì không có nguồn cung là có thực, nhưng số này không nhiều, vì những cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Hai Bộ trưởng Công thương và Tài nguyên - Môi trường trả lời chất vấn về giá xăng dầu, "thổi" giá đất...
Theo quy chế làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo thông lệ hoạt động tại phiên họp tháng 3 và tháng 8 từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, từ đó tổng hợp được 6 vấn đề chính và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết bằng phiếu để chọn ra 2 vấn đề để chất vấn.
Chất vấn công tác điều hành giá xăng dầu
Theo đó, nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương gồm:
- Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu. Công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
- Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
- Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chất vấn quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị
Nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm:
- Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;
- Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân;
- Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;
- Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp.
- Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19;
- Vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.