Khởi nghiệp

Từ giấc mộng "hóa rồng" trở thành những doanh nghiệp "hấp hối" chỉ sau vài năm ngắn ngủi: Chuyện gì xảy ra với làn sóng khởi nghiệp ở Trung Quốc?

Từ giấc mộng "hóa rồng" trở thành những doanh nghiệp "hấp hối" chỉ sau vài năm ngắn ngủi: Chuyện gì xảy ra với làn sóng khởi nghiệp ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tham vọng khởi nghiệp

Khi được mời tham dự Hội nghị Internet Thế giới (WIC) 2017, nơi quy tụ những người nổi tiếng trong ngành web và các cơ quan quản lý không gian mạng lớn nhất Trung Quốc, Zhang Hongjun tin chắc rằng mình đang sải bước trên con đường dẫn đến thành công.

Sự kiện này được tổ chức vào tháng 12/2017 tại Ô Trấn, một thị trấn sông nước đẹp như tranh vẽ cách Thượng Hải 100km về phía Tây. Những người tham dự bao gồm người sáng lập Alibaba Jack Ma, người sáng lập Tencent Pony Ma, người sáng lập JD.com Richard Liu, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và Sundar Pichai của Google.

Với rất nhiều nhà đầu tư tên tuổi lớn tham gia, Zhang mong đợi một khoản tiền khổng lồ cho dự án của mình – một nền tảng đánh giá rủi ro tài chính theo thời gian thực, rất quan trọng đối với hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ của cho vay ngang hàng (P2P), cho vay trực tuyến và huy động vốn từ cộng đồng.

Công việc của ông thậm chí còn nhận được sự quan tâm của chính phủ vì nó được liệt kê trong danh sách gây quỹ của hội nghị. “Dự án đang hoạt động rất tốt vào thời điểm đó. Chúng tôi tràn đầy hy vọng”, doanh nhân 42 tuổi đến từ Thượng Hải nhớ lại.

Từ giấc mộng "hóa rồng" trở thành những doanh nghiệp "hấp hối" chỉ sau vài năm ngắn ngủi: Chuyện gì xảy ra với làn sóng khởi nghiệp ở Trung Quốc? - Ảnh 2.

Đối với nhiều công ty khởi nghiệp, đó là thời kỳ thăng hoa nhất. Để khuyến khích cái mà họ gọi là “khởi nghiệp đại chúng và đổi mới”, Bắc Kinh đã hành động mà không có chút chần chừ.

Khi có nguồn tiền chảy vào, tham vọng của các doanh nhân mới tham gia cuộc đua cũng tăng theo.

Nhưng thứ tưởng như là ngọn lửa nhiệt huyết rực cháy giờ lại giống như một cục than hồng sắp tàn. Trong những năm kể từ thời điểm đó, môi trường khởi nghiệp của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ, vô tình khiến hàng chục nghìn doanh nhân như ông Zhang bị mắc kẹt.

Những người bị ảnh hưởng sâu sắc nhất thuộc các lĩnh vực tài chính, giáo dục, trò chơi điện tử, công nghệ và internet.

Vài tháng sau hội nghị năm 2017, Bắc Kinh đã khởi động một chiến dịch phối hợp nhằm giảm rủi ro tài chính, siết chặt hoạt động ngân hàng ngầm và các hoạt động tài chính không có giấy phép. Điều này dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt các nền tảng cho vay P2P, hàng nghìn nền tảng ngừng hoạt động để tránh bị điều tra.

Các công ty Internet cũng gặp khó khăn kể từ cuối năm 2020, khi Trung Quốc cố gắng hạn chế cái mà họ gọi là “mở rộng hoạt động sử dụng vốn một cách bừa bãi”. Hạn chế chỉ kết thúc hai năm sau đó, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc phải củng cố các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số để làm động lực cho hoạt động và tiêu dùng.

Những vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại do chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump phát động vào mùa hè năm 2018 đã leo thang từ một cuộc cạnh tranh kinh tế thành một cuộc cạnh tranh toàn diện.

Những nỗ lực tách rời của Washington, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đã buộc Bắc Kinh phải chú trọng nhiều chưa từng có đến an ninh và phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường và công nghệ của chính mình, điều này khiến các nhà đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ cảm thấy lo sợ.

Sóng gió ập tới

Huang Panlong cũng là một doanh nhân đi tìm kiếm vận may tại Wuzhen vào năm đó, khi ứng dụng giáo dục của ông phát triển mạnh mẽ giữa lúc ngành gia sư và dạy thêm có mức tăng trưởng vượt trội. Ngành này từng được định giá lên tới hàng trăm tỷ USD và đang trên đà tích lũy và tăng trưởng.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2021, một đòn chí mạng đã giáng vào công việc kinh doanh của ông khi Bắc Kinh ban hành những hạn chế nghiêm khắc đối với việc dạy thêm. Với mục đích giảm bớt căng thẳng và giảm bớt gánh nặng cho học sinh và gia đình, quy định mới đã khiến một ngành kinh tế “biến mất” chỉ sau một đêm.

Sau đó, ông Huang bắt đầu chuyển qua bán các sản phẩm nông nghiệp để tận dụng nỗ lực phục hồi của chính phủ đối với khu vực nông thôn Trung Quốc – nhưng điều đó cũng không hề suôn sẻ. Nhóm của ông đã vấp phải sự phản đối từ cơ quan thuế địa phương và cuối cùng phải nộp một khoản tiền phạt lớn.

Từ giấc mộng "hóa rồng" trở thành những doanh nghiệp "hấp hối" chỉ sau vài năm ngắn ngủi: Chuyện gì xảy ra với làn sóng khởi nghiệp ở Trung Quốc? - Ảnh 3.

Huang nói: “Những người mới bắt đầu kinh doanh vừa và nhỏ phải hoàn toàn tự lập. Họ phải đấu tranh để sinh tồn trong giai đoạn đầu và chỉ khi đạt được những kết quả nhất định, họ mới được công nhận ở chính sách cấp quốc gia”.

Ông chia sẻ thêm: “Nếu đi theo con đường thông thường, chúng tôi có thể bị các tập đoàn lớn đè bẹp. Do đó, nếu hiện tại bạn đang có công việc ổn định thì tốt nhất đừng khởi nghiệp”.

Leo Chu, một người khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục online khi tham gia hội nghị năm 2017, cũng đã chuyển sang Internet of Things, một lĩnh vực “an toàn hơn” và vẫn nhận được sự ủng hộ của chính quyền.

Trải qua quá trình chuyển đổi này, ông nhận thấy nhiệt huyết đối với hoạt động khởi nghiệp đang có sự giảm sút rõ rệt.

“Trước đây, có thể 8 hoặc 9 trong số 10 doanh nhân mới đem theo hoài bão lớn lao”, Chu nói. “Bây giờ, có lẽ chỉ có 3 trên 10 người đủ hăng hái”.

“Trong môi trường đầy thách thức này, số lượng dự án ngày càng giảm, dẫn đến lợi nhuận của dự án cũng giảm. Về cơ bản, đó là một trạng thái vô vọng và sự cạnh tranh mà bạn phải đối mặt không hề dễ dàng”.

Những con số biết nói

Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, đầu tư quý 3 của Trung Quốc vào lĩnh vực internet đã giảm 36,4% so với cùng kỳ xuống còn 1,36 tỷ USD sau khi giảm mạnh 70% so với cùng kỳ trong quý 2.

Số lượng hợp đồng đầu tư giảm 54% xuống còn 210, sau khi giảm 60,9% so với quý 2.

Các nhà phân tích đã chỉ ra nhiều yếu tố cản trở các doanh nhân, bao gồm đại dịch COVID-19, các chính sách quản lý nói trên và cuộc chiến công nghệ của Mỹ, cũng như cách Bắc Kinh ưu tiên cấp vốn và tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước.

Trong số những bộ phận của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, khu vực tư nhân đứng đầu hàng. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, đầu tư tư nhân giảm 0,6% so với năm trước và tỷ trọng của nó trong tổng đầu tư tài sản cố định của cả nước giảm xuống 51,3% từ mức 55,1% một năm trước đó.

Để tiếp thêm “sinh lực” cho khu vực tư nhân, Bắc Kinh đã cam kết “hỗ trợ không ngừng” để làm cho nền kinh tế tư nhân “lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn”.

Zhang, một doanh nhân ở Thượng Hải, chưa thấy lạc quan. Ông nhận định rằng môi trường kinh doanh hiện tại khó khăn hơn nhiều so với năm 2017.

“Hầu hết các công ty khởi nghiệp hiện nay đều đang vật lộn để tồn tại hoặc đang trên con đường phá sản.” Dự án của riêng ông đã thất bại sau khi mất cả ba khách hàng lớn trong đợt thay đổi chính sách internet của Trung Quốc.

“Lời khuyên của tôi là, nếu bạn có việc làm, hãy tiếp tục làm việc. Nếu không có việc làm, nhưng vẫn có thể sống ổn qua ngày, hãy cân nhắc nghỉ ngơi.”

Dù vậy, nhiều người vẫn giữ vững tinh thần khởi nghiệp. Bất chấp những khó khăn hiện tại, Zhang từ chối lời mời làm việc cho một công ty nhà nước, nói rằng tinh thần kinh doanh đã ăn sâu vào huyết quản của ông.

“Tôi không còn đường quay lại”, ông nói. “Vì ước mơ của tôi và vì những người anh em đã chiến đấu cùng tôi, tôi phải cố gắng”.

Tham khảo SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm