Tài chính

Công ty Mỹ lặng lẽ tìm cách mua lại phần mềm từng do thám hàng loạt nguyên thủ

Nhóm lãnh đạo công ty Mỹ L3Harris rất hào hứng với công nghệ này. Nhưng họ phải bắt đầu với một thực tế không thuận lợi rằng Chính phủ Mỹ gần đây đã đưa NSO vào danh sách đen, sau khi phần mềm gián điệp Pegasus của họ bị một số chính phủ sử dụng để thâm nhập vào điện thoại của nhiều lãnh đạo chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo.

Pegasus là công cụ xâm nhập giúp người dùng lấy thông tin từ điện thoại di động của mục tiêu từ xa, bao gồm tin nhắn, danh bạ, ảnh và video mà không cần người dùng phải mở bất kỳ liên kết lừa đảo nào. Phần mềm cũng biến điện thoại di động của mục tiêu thành thiết bị ghi âm và theo dõi.

Tháng 11 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố NSO hành động “đi ngược an ninh quốc gia hoặc lợi ích đối ngoại của Mỹ”, theo đó cấm các công ty Mỹ hợp tác với hãng này.

Tuy nhiên, 5 người nắm được các cuộc đàm phán tiết lộ rằng nhóm đại diện của L3Harris đã mang theo một tin nhắn khiến thỏa thuận trở nên khả thi. Họ khẳng định các quan chức tình báo Mỹ đã âm thầm ủng hộ kế hoạch mua lại NSO, khi công nghệ của hãng này được nhiều cơ quan tình báo và lực lượng thực thi pháp luật khắp thế giới quan tâm, trong đó có CIA và FBI.

Quá trình trao đổi diễn ra cho đến tận tháng trước, khi xuất hiện thông tin NSO có thể được bán, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Các quan chức Nhà trắng nói rằng họ rất phẫn nộ khi biết tin về các cuộc đàm phán, và bất kỳ nỗ lực nào của các hãng quốc phòng Mỹ nhằm mua lại công ty trong danh sách đen cũng sẽ vấp phải phản đối nghiêm túc.

Vài ngày sau, L3Harris, một công ty phụ thuộc nhiều vào các hợp đồng chính phủ, thông báo với chính quyền của Tổng thống Joe Biden rằng họ có kế hoạch mua lại NSO, các quan chức chính phủ Mỹ cho biết.

Một câu hỏi được đặt ra lại ở Washington và Jerusalem rằng có phải một số bộ phận của Chính phủ Mỹ đã chớp cơ hội thâu tóm phần mềm gián điệp rất mạnh của NSO, bất kể Nhà Trắng công khai chỉ trích hãng công nghệ Israel.

Chưa rõ số phận của NSO sẽ ra sao, sau khi công nghệ của hãng này trở thành một công cụ phục vụ chính sách đối ngoại của Israel, nhưng cũng hứng nhiều chỉ trích khi công nghệ của họ bị dùng để theo dõi công dân.

Phát ngôn viên của L3Harris, NSO, và Bộ Quốc phòng và Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối bình luận về vấn đề này.

Tháng 1 năm nay, báo New York Times đưa tin FBI đã mua Pegasus từ năm 2019, trong khi các luật sư của chính phủ, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ tranh luận về việc có sử dụng phần mềm này để phục vụ các cuộc điều tra trong nước hay không.

Times cũng đưa tin rằng vào năm 2018, CIA mua Pegasus cho chính phủ Djibouti để triển khai các chiến dịch chống khủng bố, dù nước này đã thực hiện nhiều vụ tra tấn chính trị gia đối lập và bỏ tù nhà báo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm