Cụ thể, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục mở rộng hoạt động hút bớt tiền về, bên cạnh duy trì hoạt động bơm song song qua thị trường mở.
Ở kênh cầm cố, NHNN duy trì mức chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Kết quả, có 793,28 tỷ đồng trúng, trong khi trong tuần có 529,64 tỷ đồng đáo hạn.
Chủ yếu và có quy mô điều tiết lớn hơn, NHNN chào thầu tín phiếu hút bớt tiền về ở 3 kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày. Có 139.749,5 tỷ đồng trúng thầu tuần qua, trong đó kỳ hạn 7 với ngày lãi suất 0,65%, kỳ hạn 14 ngày lãi suất 0,9% và kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1,5%. Có 72.614,9 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN đã hút ròng gần 66.831 tỷ VND từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.962,91 tỷ VND, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 174.774,3 tỷ đồng.
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, trong tuần qua, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng – giảm qua các phiên. Chốt ngày 08/7, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giao dịch quanh mức 0,80% (-0,04 điểm % so với phiên cuối tuần trước đó); kỳ hạn 1 tuần là 1,30% (-0,10 điểm %); kỳ hạn 2 tuần là 1,62 (-0,06 điểm %); kỳ hạn 1 tháng là 1,98% (-0,12 điểm % so với chốt tuần trước đó).
Trong khi đó, lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt tuần 08/7, lãi suất USD liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đóng cửa ở mức 1,68% (+0,03 điểm %); kỳ hạn 1 tuần là 1,80% (+0,03 điểm %); kỳ hạn 2 tuần là 1,91% (+0,05 điểm %) và kỳ hạn 1 tháng là 2,03% (+0,05 điểm %).
Nhằm kìm hãm sự mất giá của tiền đồng, bên cạnh việc khởi động lại kênh hút tiền thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu từ trong tháng 6, NHNN đã liên tục bán ra ngoại tệ.
Trong một báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, NHNN đã bán ra khoảng 12-13 tỷ USD từ đầu năm đến nay, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1.
Tuy nhiên, như trên, bất chấp các nỗ lực của Nhà điều hành, chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng ở các kỳ hạn ngắn. Điều này cho thấy nhu cầu nắm giữ đồng USD trong hệ thống vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.