Sống

Còn trẻ nhưng đã "nhớ nhớ, quên quên"

Tóm tắt:
  • Nhiều người trẻ gặp tình trạng kém tập trung và hay quên, cho rằng đây là do áp lực công việc hoặc thiếu ngủ.
  • Một nhân viên IT và một sinh viên trải qua suy giảm trí nhớ và lo âu kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Các bác sĩ cảnh báo rằng suy giảm chức năng nhận thức ở người trẻ có thể dẫn đến sa sút trí tuệ nếu không điều trị kịp thời.
  • Lối sống thiếu lành mạnh như thức khuya, căng thẳng và lạm dụng chất kích thích làm giảm khả năng hồi phục của não bộ.
  • Để cải thiện tình trạng, người trẻ cần điều chỉnh lối sống, ngủ đủ giấc, tập thể dục và tìm cách giải tỏa căng thẳng.

Sáng thứ Hai, Vương Huy Tuấn, 28 tuổi, nhân viên IT một công ty công nghệ ở Thái Nguyên, loay hoay mãi mới mở được máy tính vì không thể nhớ mật khẩu dù mới đổi cách đây một tuần. Chiều cùng ngày, mẹ gọi điện hỏi hôm nay là ngày gì, "đứng hình" một lúc Tuấn giật mình mới nhớ là sinh nhật mẹ.

“Trước kia tôi nhớ mọi thứ, cả deadline, lịch học tiếng Anh, còn giờ cái gì cũng phải ghi ra giấy hoặc note lại trong điện thoại”, Tuấn kể, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ.

Áp lực công việc, cộng thêm thói quen uống 3-4 lon nước tăng lực mỗi ngày để thức khuya làm dự án khiến cơ thể Tuấn suy kiệt. Những đợt mất ngủ triền miên kéo dài gần một năm, kèm cảm giác hoảng loạn, lo âu không rõ nguyên nhân. Tuấn từng nghĩ mình bị stress, nhưng bác sĩ chuyên khoa thần kinh kết luận anh suy giảm chức năng nhận thức sớm, nguy cơ khởi phát sa sút trí tuệ nếu không điều trị kịp thời.

Tuấn đang điều trị kết hợp thuốc, tâm lý liệu pháp và thay đổi lối sống. Anh nói chưa từng nghĩ một người chưa tới 30 lại có thể mất trí nhớ "như ông bà mình".

Suy giảm trí nhớ không chỉ là vấn đề của người lớn tuổi mà ảnh hưởng đến người trẻ. (Ảnh minh hoạ)

Suy giảm trí nhớ không chỉ là vấn đề của người lớn tuổi mà ảnh hưởng đến người trẻ. (Ảnh minh hoạ)

Trúc Mai, sinh viên năm cuối ngành truyền thông, từng là người năng động, hoạt bát, luôn được bạn bè tin cậy, nhưng suốt học kỳ vừa rồi, cô thường xuyên không nhớ bản thân đã nộp bài chưa, thậm chí có lần quên cả tên giảng viên dạy môn chuyên ngành. Có hôm đi siêu thị, Mai ngẩn người ra không nhớ mình cần mua gì.

Áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình và nỗi lo về tương lai khiến Mai rơi vào trạng thái rối loạn lo âu kéo dài. Để tỉnh táo, Mai dùng thuốc giảm đau liều nhẹ kèm cà phê đặc, sau tăng dần liều và chuyển sang sử dụng chất kích thích theo lời bạn bè để “đỡ mệt và học nhanh vào”.

Cuối năm ngoái, sau lần bị ngất trong thư viện, Mai được đưa vào bệnh viện và phát hiện não bộ có dấu hiệu tổn thương vùng nhớ ngắn hạn. Các bác sĩ cho biết nếu tiếp tục dùng chất kích thích và để căng thẳng kéo dài, Mai có thể phải đối mặt với nguy cơ suy giảm trí tuệ mạn tính từ khi còn trẻ.

Mai nghỉ học tạm thời, tập trung điều trị tâm lý và phục hồi chức năng nhận thức. “Tôi từng nghĩ trầm cảm là buồn, ai ngờ có ngày mình quên cả chính bản thân”, cô nói.

Nguy cơ sa sút trí tuệ sớm

Theo bác sĩ Thân Thị Minh Trung, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, suy giảm trí nhớ do suy giảm chức năng của não bộ, khác với tình trạng lão hóa tự nhiên theo tuổi tác. Tình trạng này ngày càng phổ biến ở người trẻ, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc và đời sống hàng ngày. Về lâu dài, nó có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như sa sút trí tuệ hoặc Alzheimer.

Người trẻ hiện nay thường có lối sống thiếu lành mạnh như thức khuya, ngủ ít, làm việc quá sức, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất kích thích. Đây đều là những yếu tố nguy cơ hàng đầu khiến não bộ không được phục hồi đúng cách, dẫn đến giảm trí nhớ. Để tình trạng kéo dài, não mất dần sự nhạy bén, khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin bị suy giảm rõ rệt.

Suy giảm trí nhớ ở người trẻ có những biểu hiện đặc trưng. (Ảnh minh hoạ: Freepik)

Suy giảm trí nhớ ở người trẻ có những biểu hiện đặc trưng. (Ảnh minh hoạ: Freepik)

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E, việc để tình trạng căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây tổn hại trực tiếp đến trí nhớ, khả năng tập trung và chất lượng cuộc sống.

Suy giảm trí nhớ ở người trẻ có biểu hiện đặc trưng như khó tập trung, thường xuyên lơ đãng, hay quên những việc mới xảy ra, gặp khó khăn trong việc tiếp thu thông tin mới. Một số người còn có xu hướng nói lặp lại, diễn đạt vòng vo vì quên từ ngữ, dễ nhầm lẫn về thời gian, địa điểm, hoặc gặp khó khăn trong việc đánh giá và xử lý tình huống. Ngoài ra, họ cũng có thể thay đổi cảm xúc thất thường, dễ nóng giận hoặc thờ ơ, buồn bã kéo dài.

Một nguyên nhân phổ biến nhưng thường bị bỏ qua là làm nhiều việc cùng lúc khiến não bộ quá tải, không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Kết hợp với thói quen thức khuya, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, thiếu vận động, thiếu kết nối xã hội... tất cả đều làm giảm khả năng hồi phục của não bộ.

Theo các chuyên gia, để phòng tránh và cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ, người trẻ cần điều chỉnh lối sống khoa học hơn. Việc ngủ đúng giờ, đủ giấc từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng não bộ. Song song đó, giới trẻ nên duy trì thói quen đọc sách, làm việc theo trình tự thay vì đa nhiệm, đồng thời tạo khoảng thời gian trong ngày để thư giãn, giải tỏa căng thẳng.

Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần, hoặc 75 phút ở cường độ cao, cũng giúp kích thích não hoạt động hiệu quả, duy trì sự nhạy bén. Khi cảm thấy căng thẳng, người trẻ có thể tìm đến các phương pháp giải tỏa như đi bộ, nghe nhạc, thiền hoặc đơn giản là ngắt kết nối khỏi công việc trong chốc lát.

Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như mất ngủ kéo dài, lo âu dai dẳng, hay quên bất thường ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, người bệnh nên chủ động tìm đến chuyên gia để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc can thiệp sớm không chỉ giúp cải thiện trí nhớ mà còn ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành các rối loạn tâm thần hay bệnh lý thần kinh nguy hiểm hơn trong tương lai.

Các tin khác

Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Mới đây, Thông tin Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sáp nhập với Tp.HCM theo Nghị Quyết 60- NQ/TW gây chú ý cho thị trường bất động sản khu vực. Khi sáp nhập vào Tp.HCM, người mua bất động sản nơi đây sẽ giải toả được tâm lý “nhà ở tỉnh”, đồng thời các khu vực này được các chuyên gia dự báo có đợt “định giá lại” về mặt bằng giá bất động sản.