Những đứa trẻ bị hải tặc Thái Lan bắt cóc
Khoảng thời gian từ năm 1981-1989, một số gia đình rời Việt Nam đi tìm miền đất hứa trên những chiếc thuyền mỏng manh. Trong số đó, có những người trôi ra vịnh Thái Lan, trở thành miếng mồi cho cướp biển hung hãn.
Tháng 3/1985, ông Trần Văn Khuê đã đánh mất đứa con đầu lòng tên Trần Thanh Độ (tức Mạnh). Bà Tiếu Hoa, mẹ của anh Mạnh khi đó ở lại Việt Nam cùng con gái nhỏ. Trước khi đi, Mạnh ôm mẹ khóc, mặc vào người chiếc áo học sinh và mang con dế sang gửi anh họ nhờ nuôi giúp. Khi nghe tin chồng và con gái bị thả xuống biển nhưng sống sót, ở trong trại tị nạn, còn Mạnh thì mất tích, bà Hoa như điên như dại, suốt ngày đi lang thang.
9 năm sau bà được bảo lãnh sang Mỹ. Nhưng từ đó bà liên tục về Việt Nam đi chùa, giúp đỡ trẻ tật nguyền với niềm mong muốn duy nhất là con trai của bà được ai đó cưu mang, sống sót, để tới một ngày, mẹ con được gặp lại nhau.
Báo Thai Rath đưa tin về việc một gia đình Việt Nam sang Thái Lan tìm con bị bắt cóc.
Một lần về nước, ông bà cùng người thân đến văn phòng Sài Gòn buổi sáng để đăng ký tìm con. Đội viên tìm kiếm là anh Nguyễn Linh, đã cùng gia đình sang Thái Lan hỗ trợ.
Ngày 17/3/2012, đoàn sang tìm hiểu địa hình Thái Lan bằng một chuyến đi du lịch. Tình cờ, đoàn hỏi thăm một hướng dẫn viên du lịch người Thái tên Lamyai Wongprayoon, chị có thể nói tiếng Anh. Khi biết chuyện chị Lamyai rất cảm thông và giúp đỡ đoàn nhiệt tình. Thông qua chị Lamyai, đoàn kết nối được với báo Thai Rath. Báo này đã tiếp đoàn, chụp ảnh với gia đình bà Tiếu Hoa.
Ngày 23/3/2012, báo đăng thông tin về việc tìm con của gia đình bà Tiếu Hoa. Tờ báo với lượng phát hành 1 triệu bản/ngày tại thời điểm đó đã lan tỏa mạnh mẽ, giúp đoàn tìm kiếm có thêm nhiều thông tin quý giá. Một ngày sau khi báo đăng, có một ngư dân người Thái Lan đã gọi điện cho biết rằng năm 1985, ông chủ của ông có nhận nuôi một bé trai người Việt, nhìn hình rất giống Mạnh, con của bà Hoa.
Có phương hướng rõ ràng hơn, cả đoàn đã có chuyến đi thứ 2, đến huyện Laem Sing, Chanthaburi, Thái Lan, cách Băng Cốc 260km. Báo Thai Rath đã liên lạc để nhờ một cán bộ công tác xã hội ở đây, người này cho thông tin về việc có một gia đình nhận nuôi một đứa bé người Việt. Tuy nhiên, vì trường hợp tế nhị nên người này không có nhiều thông tin. Phía gia đình nhận nuôi bé trai cũng không cho gặp. Do đó, đoàn quyết định cầm tờ Thai Rath đi hỏi thăm.
Sau khi kết nối nhiều kênh thông tin, họ tìm được thông tin của một thanh niên tên Buff, là người gốc Việt.
Họ hỏi thăm một người phụ nữ Thái Lan và được người này tiết lộ, có biết một thanh niên tên Buff có khả năng là người họ tìm kiếm. Ngoài ra, một người đàn ông xác nhận có cháu gái từng là bạn gái của Buff. Người này cho đoàn tìm kiếm nick Facebook của Buff. Buff đang sống ở tỉnh Songkhala, cách thủ đô Băng Cốc 900km.
Cả đoàn đến Songkhla và gặp được anh Buff. Buff không nhớ thông tin gì ngoài việc anh là người Việt Nam, mọi ký ức đã bị xóa sạch. Cả đoàn quyết định lấy mẫu xét nghiệm ADN giữa anh Buff và bà Tiếu Hoa. Tuy nhiên, kết quả họ không cùng huyết thống.
Cuộc đoàn tụ sau 32 năm của đứa trẻ bị bắt cóc
Việc tìm kiếm con trai thất lạc của ông Khuê, bà Hoa chưa thành, nhưng lại mở ra cơ hội cho một gia đình khác, đó là ông Ngô Văn Việt, cũng là một người có con trai bị hải tặc Thái Lan bắt cóc vào tháng 3/1981. Khi đó, con trai của ông Việt tên là Ngô Văn Đảm mới 3 tháng tuổi.
Xem những hình ảnh về Buff, ông Việt - cũng là người cha có con bị bắt cóc ngỡ ngàng vì Buff quá giống mình.
Khi xem những hình ảnh về Buff xuất hiện trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", ông Việt đã ngỡ ngàng. Ông không thể tin đó không phải là con của mình vì anh Buff giống ông đến trên 95%.
"Họ bắt chúng tôi, chở lên tàu, tất cả những gì trên tàu mình có thì họ lấy, còn vấn đề hãm hiếp, chết chóc thì không. Họ đi suốt 12 tiếng đồng hồ, kéo tàu mình lên và nói họ không thể đưa mình vào bờ vì luật của Thái Lan, thành thử họ đẩy mình xuống.
Họ đưa tất cả những người lớn xuống trước, còn lại 6 trẻ em, trong đó có 2 đứa nhỏ nhất là con tôi 3 tháng tuổi và con của người em họ hàng 11 tháng tuổi. Những đứa bé biết nói chuyện và biết đi thì họ ẵm xuống hết. Tôi nói còn 2 đứa nhỏ nữa thì họ bảo cứ xuống tàu đi rồi họ ẵm xuống. Nhưng khi người lớn xuống hết thì họ chặt dây bỏ đi, như vậy là họ bắt 2 đứa nhỏ", ông Việt nhớ lại ngày con trai bị bắt đi.
Anh Buff và ông Việt gặp nhau tại Thái Lan.
Ông Việt lập tức trở lại làng Thaweewatthana, Songkhla. Trước đó 3 tháng, ông từng tới đây, ở đó 8 ngày để đi tìm con nhưng duyên chưa tới. Lần này trở lại, ông có nhiều hy vọng hơn. Qua một người có cùng hoàn cảnh, ông Việt được kết nối với ông Chookiat Suwanrungsri - Trưởng làng Thaweewatthana, Nguyên Giám đốc Sở Phát triển và An sinh Xã hội tỉnh Songkhla. Ông Chookiat đã giúp đỡ ông Việt rất nhiệt tình trong việc tìm con.
Con phố Thanon Yaring ở Songkhla - phố của những người đánh cá xưa cũng là nơi ông Việt từng đi qua nhiều lần, hỏi thăm người già trong từng hẻm sâu của dãy phố. Nhưng ông không biết, con trai mình đang làm kế toán cho một hãng thu mua hải sản của gia đình. Buff là người con được yêu thương nên rất có hiếu với cha nuôi.
Ông Việt vui mừng khi nhận kết quả ADN, Buff chính là con trai của ông.
Hai cha con đã đoàn tụ sau 32 năm xa cách.
Ông Việt và anh Buff có một cuộc gặp gỡ. Anh Buff chắp tay chào kiểu Thái Lan. Ông Việt nhìn con đầy trìu mến. Ai cũng khen ông và anh Buff nhìn rất giống nhau.
"Sau khi gặp cháu, tôi rất tin tưởng đó là người con của mình. Không biết Buff nghĩ như thế nào nhưng gặp mặt là tôi muốn ôm con rồi. Nhưng tôi dằn lòng lại, nếu thực sự là con mình thì trước sau ôm cũng chưa muộn.
Tôi muốn nói nhiều điều với con, nhưng không nói được. Tôi muốn con hiểu được rằng tôi rất quan tâm và đau đáu tìm con chứ không hề bỏ rơi nó. Rất tiếc là con không hiểu nó mất tích trong hoàn cảnh như thế nào nên không có cảm xúc khi cha con gặp nhau. Tôi đang rất mong chờ kết quả ADN", ông Việt nói về tâm trạng khi gặp con.
Anh Buff (tức anh Đảm) đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình.
3 ngày sau, kết quả ADN cho thấy, ông Việt và Buff là cha con. Buff chính là Ngô Văn Đảm. Sau 32 năm thất lạc, Buff đã cùng vợ và con trai về Việt Nam nhận gia đình, nhận quê hương, đoàn tụ với người thân ruột thịt trong những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly