“Bần cùng sinh đạo tặc”
Tuấn Anh (27 tuổi, quê ở TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nói gia đình đang nợ 2 tỷ đồng nên đã nảy sinh kế hoạch đi cướp ngân hàng để lấy tiền trả nợ.
Hôm 31/3, Tuấn Anh mặc áo mưa, bịt kín mặt, đi xe máy tới một phòng giao dịch ngân hàng Agribank ở Thái Nguyên. Sau một hồi quan sát, hắn xông vào đổ xăng ra sàn phòng giao dịch, dọa châm lửa đốt, yêu cầu nhân viên ngân hàng đưa tiền. Nam thanh niên 27 tuổi sau đó bị bảo vệ khống chế và giao cho công an bắt giữ.
Tuấn Anh bị bắt sau khi đổ xăng ra sàn phòng giao dịch để dọa cướp tiền.
Cách đó chưa đầy 1 tháng, Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi) mang súng bật lửa, dao đến phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank ở Hà Nội, cướp 500 triệu đồng.
Hai người này không có nghề nghiệp ổn định, nợ nần nhiều. Sau khi quen nhau qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội, cả 2 bàn kế hoạch đi cướp ngân hàng .
Sau 2 lần đi quan sát số lượng nhân viên, bảo vệ ở phòng giao dịch, Hiếu và Tùng dựng xe máy trên vỉa hè, đi bộ vào, giả vờ là khách đề nghị được rút tiền. Ngay sau đó, 2 người rút súng bật lửa uy hiếp nhân viên và cướp 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi bỏ chạy được khoảng 20 m, 2 tên này va chạm gia giao thông nên đã làm rơi 300 triệu đồng và khẩu súng. Sáng 8/3, sau 16 giờ gây án, các nghi phạm bị bắt. Cảnh sát đã thu thêm khoảng 200 triệu đồng và 2 con dao.
Khoảng đầu tháng 1/2022 cũng có một vụ cướp ngân hàng gây rúng động. Nam thanh niên 24 tuổi ở Hải Phòng đeo khẩu trang, bất ngờ xông vào ngân hàng rút súng đe dọa bảo vệ, nhân viên ngân hàng rồi cướp hơn 3 tỷ đồng. Số tiền cướp được, nam thanh niên dùng để mua xe phân khối lớn, cho bạn gái và chôn cất rải rác. Sau hơn một ngày, nghi phạm đã bị bắt.
Nam thanh niên 24 tuổi ở Hải Phòng dùng tiền cướp ngân hàng mua xe phân khối lớn và bị bắt ngay ngày hôm sau.
Tất cả các vụ cướp ngân hàng trước nay đều bị điều tra truy tìm thủ phạm và hầu hết nghi phạm sẽ bị bắt ngay sau đó. Thế nhưng, hàng loạt vụ cướp ngân hàng xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi: “Tại sao tội phạm biết bị bắt mà vẫn đến cướp ngân hàng?”
Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia tâm lý hành vi Lê Đức Anh lý giải, những người đi cướp ngân hàng thường sẽ có vấn đề về nhận thức và cuộc sống bị bần cùng.
Chuyên gia tâm lý hành vi Đức Anh.
Có thể do tội phạm chưa nhận thức được rủi ro khi đi cướp tài sản trong ngân hàng. Họ chưa lường trước được hậu quả về mặt pháp luật mà chỉ tập trung vào mục đích lấy được tiền trong ngân hàng. Như vậy, nhận thức là nguyên nhân chính dẫn đến những hành động hung hăng, manh động.
“Chúng ta nhìn nhận từ kết quả, thường thấy tội phạm cướp ngân hàng đều sẽ bị truy bắt. Nhưng không phải ai trong số tội phạm cũng biết điều này. Nếu đặt mình vào bối cảnh của những người đi cướp ngân hàng thì sẽ biết họ không nghĩ được như thế. Họ có thể chỉ nghĩ đơn giản là làm sao để có tiền để thỏa mãn mục đích cá nhân như ăn chơi, lô đề cờ bạc, ma túy hay trả nợ.
Đa phần tội phạm cướp ngân hàng đều có lịch sử không trong sạch. Khi rơi vào bước đường cùng, nếu có cách nào giải quyết được vấn đề thì họ sẽ sẵn sàng làm mà không màng đến việc phải ngồi tù bao nhiêu năm. Hay nói cách khác, nếu rơi vào cảnh bần cùng thì sẽ sinh ra đạo tặc”, chuyên gia Đức Anh phân tích.
Bộ Công an đưa cảnh báo
Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự , Bộ Công An, ngoài các phương thức, thủ đoạn có tính truyền thống, xuất hiện các đối tượng thông qua không gian mạng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau để thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích.
Các đối tượng gây án chủ yếu chưa có tiền án, tiền sự, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế. Các vụ cướp thường xảy ra vào thời điểm lượng khách tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ít, nhân viên mất cảnh giác, những nơi còn sơ hở trong công tác bảo vệ. Phần lớn các đối tượng phạm tội đe dọa hoặc sử dụng vũ khí tự chế, súng, vật liệu nổ giả để uy hiếp, thực hiện hành vi cướp tài sản.
Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, mỗi phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng cần đầu tư hệ thống an ninh bảo đảm, đầy đủ, hiện đại; xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy. Đồng thời, thường xuyên tập huấn cho nhân viên kỹ năng cần thiết để có thể nhận định, đánh giá và ứng phó với các tình huống xảy ra.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự. Ảnh: CAND
Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự và Công an các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng; cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý; cửa hàng tiện ích,…
Cục Cảnh sát hình sự phối hợp các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước và Công an địa phương tổ chức khảo sát công tác phòng ngừa tội phạm tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để có kiến nghị giải pháp tăng cường phòng, chống tội phạm cướp ngân hàng.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 tháng đầu năm 2022, số vụ phạm pháp hình sự giảm 17,51% so với cùng kỳ năm 2021; lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 8.016 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 87,91%), bắt 19.037 đối tượng, triệt phá 242 băng, nhóm tội phạm.