Tại buổi tiếp các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 20/9 ông James Quincey gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng vì đã dành thời gian gặp mặt. Ông cũng cho biết chiến lược của công ty là mở rộng hoạt động và đầu tư thiết yếu vào Việt Nam. Trong năm 2024, Coca-Cola sẽ kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam.
Sau khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận vào năm 1994, Coca-Cola là một trong những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Công ty hiện có 2.000 nhân viên cùng với 3 nhà máy sản xuất nước giải khát tại TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
Coca-Cola đã hợp tác với hơn 1 triệu nhà bán lẻ trên toàn quốc tại Việt Nam, đồng thời tạo ra 2.000 việc làm trực tiếp và 20.000 việc làm gián tiếp cho thị trường lao động địa phương. Doanh nghiệp đang đầu tư 136 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát mới tại Long An, một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo Coca-Cola, đây là một dự án trọng điểm của hệ thống Coca-Cola Việt Nam, thể hiện cam kết lâu dài đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhà máy được thiết kế và xây dựng với mục đích nâng cao năng suất bằng cách áp dụng mô hình và công nghệ sản xuất sáng tạo để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, dự kiến hoạt động vào năm 2026.
Sáng kiến phát triển bền vững của Coca-Cola trên toàn cầu tập trung vào các khía cạnh: bao bì bền vững, quản lý nguồn nước, nông nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu, sản phẩm, hỗ trợ người dân và cộng đồng. Tại Việt Nam, Coca-Cola đã hợp tác với tổ chức The Ocean Cleanup, khởi động dự án làm sạch sông ngòi tại sông Cần Thơ Việt Nam.
Coca‑Cola Foundation, Tổ chức từ thiện toàn cầu thuộc Công ty Coca‑Cola, đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Quỹ cũng huy động các nguồn lực và thế mạnh của mình để thúc đẩy các chương trình và hoạt động cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam với tổng số tiền tài trợ hơn 3,7 triệu USD trong giai đoạn 2018 - 2022 cho các dự án quan trọng. Cụ thể, tài trợ 275.000 USD cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại thành phố Đà Nẵng năm 2022; Tài trợ 339.000 USD cho Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) trong giai đoạn 2021-2022 để thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển và được coi là lá phổi xanh của TP HCM; Tài trợ 289.000 USD cho Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) trong giai đoạn 2021-2022 để tăng cường khả năng điều tiết, tích trữ và phục hồi nước ngọt của Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), các vùng đất ngập nước và vùng đệm quanh Vườn.