Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Công văn số 5454/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài về việc cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan quản lý thuế.
Theo văn bản, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng căn cứ các quy định tại Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định 126); Nghị định 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) về cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan quản lý thuế theo đúng quy định.
Cụ thể, căn cứ đầu tiên là theo Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó, tại khoản 2 điều 27 của Luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản.
Cùng với đó, điểm a khoản 2 điều 98 quy định về trách nhiệm của NHTM trong việc cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản người nộp thuế và điều 129 quy định về cưỡng chế, phong tỏa tài khoản thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Căn cứ thứ 2 là Nghị định 126/2020. Theo đó, tại điều 30 của Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Cụ thể là yêu cầu NHTM phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng theo đề nghị của cơ quan thuế.
Trong đó, các thông tin phải cung cấp bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, NHTM cũng phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Cũng theo Nghị định 126, tại khoản 4 điều 31 quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế mở tài khoản.
Căn cứ thứ 3 là Nghị định 117/2018. Theo đó, điều 4 quy định về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng; từ điều 6 đến điều 9 quy định về hình thức, thời hạn, trình tự, thủ tục và hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin; khoản 9 điều 10 quy định về thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của các đơn vị thuộc cơ quan quản lý thuế; điểm a khoản 1 điều 11 quy định các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng; khoản 2 điều 14 quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng; điều 15 quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng.
ĐÃ CÓ "BIG 4" VÀ MB THỰC HIỆN
Yêu cầu trên được NHNN đưa ra sau khi Tổng cục Thuế có công văn gửi cơ quan này về tình hình triển khai thử nghiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế với 5 NHTM, gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank và MBBank.
Theo đó, cơ quan thuế đã yêu cầu các ngân hàng này cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế, tên chủ tài khoản, ngày mở (ngày bắt đầu hoạt động), ngày đóng tài khoản thanh toán.
Tài khoản thanh toán thuộc phạm vi cung cấp là tài khoản theo quy định của luật các tổ chức tín dụng. Thông tin sử dụng để đối chiếu, cung cấp thông tin là mã số thuế hoặc số giấy tờ.
Cơ quan thuế yêu cầu các TCTD thực hiện cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trong đó, tài khoản thanh toán của khách hàng có thông tin mã số thuế thì TCTD thực hiện đối chiếu và cung cấp thông tin tài khoản thanh toán theo mã số thuế. Với trường hợp tài khoản khách hàng không có mã số thuế thì TCTD thực hiện đối chiếu với số, loại giấy tờ do Tổng cục Thuế cung cấp theo mã số thuế của người nộp thuế.