Kết phiên 20/3, cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng hết biên độ lên 23.600 đồng/cp. Tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên cao nhất kể từ tháng 7/2023, đạt gần 27,2 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 1,9 triệu đơn vị.
Vốn hóa thị trường VIB theo đó tăng thêm khoảng gần 4.000 tỷ đồng, lên hơn 59.869 tỷ đồng (tương đương 2,42 tỷ USD).
Diễn biến tăng giá của cổ phiếu VIB diễn ra sau khi ngân hàng công bố Báo cáo thường niên năm 2023. Trong báo cáo, VIB cho biết ngân hàng chiếm thị phần hàng đầu ở nhiều mảng kinh doanh bán lẻ trong yếu và đứng đầu về tỷ trọng cho vay bán lẻ/tổng dư nợ tại Việt Nam.
Mặc dù thị trường xe ô tô gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, nhưng VIB vẫn đang duy trì vị trí top 3 trong thị trường cho vay mua xe. Đối với mảng kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng này vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu thị phần bancassurance.
Theo đề xuất của Hội đồng quản trị (HĐQT) chờ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024 phê duyệt, VIB dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ.
Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (CBNV) với tỷ lệ 0,44%. Mức chia cổ tức trong năm 2023 của VIB đang dẫn đầu trong số các ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, VIB dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Kế hoạch lợi nhuận năm 2024 của VIB thấp hơn so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (12.200 tỷ đồng) từng được ĐHĐCĐ thông qua.
Một số chỉ tiêu khác như tổng tài sản dự kiến tăng 20%, đạt 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, trong đó, dư nợ tín dụng tăng 20%, đạt 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn được dự kiến tăng trưởng 21% lên mức 315.200 tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng dưới 3%.
Trên cơ sở tăng vốn điều lệ lên gần 30.000 tỷ đồng như đề xuất, HĐQT dự phóng các chỉ số ROA, ROE của VIB lần lượt ở mức 2,2% và 24%. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức trên 10%, so với 11,73% cuối năm 2023.