GMD:
Trong thông báo mới nhất, CTCP Gemadept (mã GMD) đã công bố việc công ty đã ký hợp đồng với đối tác ngày 15/3 để chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu tại CTCP Cảng Nam Hải. Hiện tại thông tin bên nhận chuyển nhượng chưa được tiết lộ.
Trước đó vào cuối năm 2023, công ty đã lên kế hoạch chuyển nhượng 99,98% cổ phần Cảng Nam Hải ngay sau khi hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ và thu hơn 1.300 tỷ đồng.
Được biết, Cảng Nam Hải có công suất thiết kế đạt 200.000 Teus, là cảng đầu tiên của Gemadept tại miền Bắc. Song tới thời điểm hiện tại, Cảng Nam Hải đang đón ngày càng ít tàu hơn, chủ yếu chuyển qua các hoạt động lưu kho bãi do vị trí kém thuận lợi.
Tính tới hiện tại, ở khu vực phía Bắc, Gemadept còn sở hữu hai cảng là Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải. Tại phía Nam, doanh nghiệp đang có 2 cảng container là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay và 1 cảng ICD Phước Long; ngoài ra cảng Dung Quất là cảng hàng rời duy nhất trong hệ thống cảng của Gemadept.
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán KB Việt Nam cho biết Gemadept kì vọng sẽ hoàn thành thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải trong năm 2024. Ước tính việc chuyển nhượng vốn cảng Nam Hải và Nam Hải ICD sẽ đem về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận, bổ sung nguồn tiền cho công ty tập trung đầu tư phát triển mở rộng các cảng lớn như các dự án mở rộng cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.
Ngoài ra, KBSV cho biết công ty cũng đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án cao su ở Campuchia và các dự án bất động sản Saigon Gem, Gemadept Vientiane, mục tiêu dồn toàn lực tập trung vào hoạt động cốt lõi.
Chứng khoán BSC cũng đánh giá việc thoái vốn Nam Hải là bước đi hợp lý trong cải thiện hiệu quả hoạt động các cảng hiện hữu cũng như hỗ trợ thêm nguồn lực để Gemadept tập trung cho các dự án phía Bắc là Nam Đình Vũ giai đoạn 3 - dự kiến đi vào hoạt động trong 2025. BSC dự phóng thương vụ thành công sẽ đóng góp thêm +10% vào lợi nhuận sau thuế cốt lõi của doanh nghiệp cảng biển này trong 2024.
Triển vọng tăng trưởng hoạt động cốt lõi với khối cảng phía Nam là động lực chính
Về tình hình kinh doanh chung của Gemadept, năm 2023 đánh dấu việc lãi ròng lập đỉnh lịch sử với 2.222 tỷ đồng, nguyên nhân chính nhờ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ. Doanh thu thuần đạt 3.846 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với năm trước.
Trong bối cảnh triển vọng vận tải container trong năm 2024 khả quan hơn, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng hoạt động kinh doanh cốt lõi cao hơn từ việc mở rộng công suất thiết kế và khoản đóng góp lớn hơn từ Gemalink. Lợi nhuận ròng cốt lõi của GMD sẽ tăng 30% vào năm 2024 và tiếp tục tăng khoảng 20% trong năm 2025 khi hoạt động thương mại tại Việt Nam phục hồi. Song, VNDirect lưu ý do không còn ghi nhận lãi đột biến từ việc bán Nam Hải Đình Vũ nên lãi ròng của GMD sẽ có thể giảm tới 46% trong năm 2024.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KBSV dự phóng sản lượng hàng qua toàn hệ thống cảng Gemadept trong 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 10 – 15%, chủ lực là nhóm cảng miền Nam khi khu vực cảng Nam Đình Vũ dự kiến hoàn thành vào tháng 6 và GMD liên tục thu hút được các tuyến tàu mới về cảng. Cùng với đó, Thông tư 39 về nâng giá sàn dịch vụ cảng biển Việt Nam sẽ có tác động rõ ràng hơn tới kết quả kinh doanh khối cảng miền Nam trong thời gian tới
Đáng nói, ngoài khai thác cảng và dịch vụ logistics là hoạt động kinh doanh chính, Gemadept đã thực hiện một số khoản đầu tư chiến lược như sở hữu và quản lý các dự án trồng cao su tại Việt Nam và Campuchia, sản xuất và bán cao su tự nhiên và mủ cao su. Ngoài ra, GMD còn là công ty phát triển và kinh doanh bất động sản, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản dân cư, thương mại và công nghiệp. Theo KBSV, công ty đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án cao su ở Campuchia và các dự án bất động sản Saigon Gem, Gemadept Vientiane, mục tiêu dồn toàn lực tập trung vào hoạt động cốt lõi.
Trên thị trường, cổ phiếu GMD chốt phiên 20/3 đạt 78.000 đồng/cp, tăng 11% so với đầu năm. Vốn hóa tương ứng gần 23.900 tỷ đồng, ngấp nghé ngưỡng tỷ USD.