BSR:
Hôm nay (17/1), hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với giá tham chiếu là 21.300 đồng/cp, sau khi huỷ giao dịch tại hệ thống UPCoM vào ngày 7/1 vừa qua.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BSR có thời điểm tăng tốc hơn 7% so với giá chào sàn trước khi đà tăng thu hẹp còn 2,82% tại 21.900 đồng. Giao dịch trên cổ phiếu này cũng sôi động với hơn 3,1 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên sáng, thanh khoản cao thứ hai trên sàn HOSE.
Với đà tăng này, vốn hóa thị trường của BSR đã tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên, lên 67.900 tỷ đồng (khoảng 2,68 tỷ USD).
BSR không chỉ là cổ phiếu doanh nghiệp tỷ USD đầu tiên chào sàn HoSE năm 2025 mà còn là “bom tấn” được các nhà đầu tư mong chờ khi đã “ẩn mình” trên UPCoM trong suốt 7 năm qua.
Hiện BSR có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sở hữu hơn 92% vốn. Đây là 1 trong 3 nhà máy lọc hóa dầu lớn đang hoạt động tại Việt Nam (cùng với Long Sơn và Nghi Sơn) với các sản phẩm chính là dầu diesel, xăng Mogas 92, 95, nhiên liệu máy bay Jet A1...
Tại sự kiện “BSR – Hành trình niêm yết và phát triển bền vững” tổ chức vào ngày 16/1 vừa qua, ông Trần Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc BSR cho rằng việc chính thức niêm yết trên HSX mở ra nhiều cơ hội cũng như góp phần nâng tầm vị thế và sức mạnh tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo lãnh đạo BSR, việc niêm yết trên HOSE sẽ mở ra cánh cửa cho cổ phiếu BSR tiếp cận với một lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Với sự hiện diện trên HOSE, BSR sẽ có thêm nhiều công cụ và kênh huy động vốn hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh BSR đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, đặc biệt là dự án Nâng cấp mở rộng (NCMR) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Khả năng tiếp cận nguồn vốn đa dạng và lớn hơn sẽ giúp BSR linh hoạt hơn trong việc thực hiện các dự án chiến lược, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn truyền thống.
Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng cổ phiếu BSR cũng đáp ứng các tiêu chí để được vào rổ chỉ số VN30, kỳ vọng sau khi đủ thời gian niêm yết 6 tháng trên HSX, cổ phiếu BSR sẽ góp mặt trong rổ VN30.
Bên cạnh đó, BSR đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ, từ mức 31.000 đồng lên 50.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Kế hoạch tăng vốn này được xây dựng dựa trên chiến lược phát triển của BSR đến năm 2030, với tầm nhìn xa đến năm 2045.
Đáng chú ý, phần lớn nguồn vốn đầu tư (87,4%) sẽ được tập trung cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NCMR NMLD Dung Quất), với tổng mức đầu tư lên đến 36.431 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của BSR trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để đảm bảo hiệu quả cho dự án NCMR NMLD Dung Quất, BSR đặt mục tiêu tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên 60% tổng nhu cầu vốn của dự án. Điều này không chỉ giúp BSR giảm áp lực về nợ vay mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của công ty đối với sự phát triển bền vững.
Cũng tại sự kiện, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã được diễn ra. Sự kết hợp giữa hai "đại gia" ngành năng lượng hứa hẹn tạo nên sức mạnh cộng hưởng, mở ra cơ hội mới trong việc tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng thị trường.
Trước đó, BSR đã công bố sợ bộ kết quả ước năm 2024. Trong đó, doanh thu ước đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, lãi trước thuế ước 369 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, năm 2024 là năm BSR phải đối mặt với một thị trường nhiều khó khăn. Ngoài ra, nếu so với một số nhà máy lọc phía Bắc và phía Nam, các nhà máy phải dừng sản xuất, tình hình tài chính cũng không khả quan, nên con số BSR đạt được năm nay dù không lớn nhưng vẫn ở mức ổn so với mặt bằng chung.
Năm 2025, triển vọng của BSR được củng cố khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không thực hiện bảo dưỡng, khả năng đạt mốc sản lượng cao. Cùng với các giải pháp sản xuất, BSR cũng đẩy mạnh kinh doanh, hợp tác trong ngành, trong nước và quốc tế, gia tăng động lực cho tăng trưởng, phát triển.
Năm 2025, BSR lên kế hoạch sản xuất kinh doanh tạm thời với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 114.654 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 752 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 13.004 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của mỗi lao động khoảng 29,5 triệu đồng/người/tháng, tương đương 354 triệu đồng/người/năm. Công ty dự kiến chi 500 tỷ đồng để trả cổ tức, trong đó cổ tức chia cho tập đoàn là 461 tỷ đồng và cho các cổ đông khác là 39 tỷ đồng.