Tài chính

Tiếp tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém GPBank và DongA Bank

Tiếp tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém GPBank và DongA Bank - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém GPBank và DongA Bank - Ảnh: CTV

Thông tin từ VPBank cho hay, ngày 17-1, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).

Như vậy, sau nhiều năm thực hiện các thủ tục cần thiết, đến nay 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là GPBank, CBBank, Oceanbank và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là DongA Bank đã được chuyển giao bắt buộc cho 4 ngân hàng có tiềm lực tài chính lành mạnh.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên, do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đồng thời, dưới sự quản lý của VPBank và HDBank trong vai trò chủ sở hữu, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, của khách hàng tại GPBank, DongA Bank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

VPBank, HDBank là những ngân hàng thương mại cổ phần có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc.

VBank đánh giá, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VPBank, HDBank mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại.

Việc chuyển giao bắt buộc các tổ chức yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Trước đó vào giữa tháng 10-2024, Ngân hàng Nhà nước đã công bố chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém được mua 0 đồng. Đó là Ngân hàng TMCP Xây dựng (CBBank) được chuyển giao cho Vietcombank. Ngân hàng TMCP Đại dương (Oceanbank) được chuyển giao cho MBBank.

Trả lời Tuổi Trẻ Online về quyền lợi của người gửi tiền sau chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém sẽ được đảm bảo như thế nào? Đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là nhằm giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật.

"Trước, trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo", ông Nguyễn Đức Long - phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, khẳng định.

Còn về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao, cũng theo ông Long, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được biện pháp hỗ trợ theo quy định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm