Chứng khoán

Cổ phiếu dầu khí: ‘Vàng đen’ trong thị trường nhiều biến động

Thị trường chứng khoán đã kết thúc tuần giao dịch 12-16/12 với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tăng nhẹ 0,063% lên 1.052,48 điểm. Diễn biến chính của VN-Index trong tuần vừa qua là sự giằng co, các nhóm ngành thay nhau dẫn dắt, cầm nhịp chỉ số với 3 cái tên nổi bật là chứng khoán, ngân hàng và thép.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng là cái tên đáng chú ý khi ghi nhận nhiều mã có tăng điểm tốt như NSH (+14%), PVT (+7,1%), PVD (+5,3%)…. Nhóm vốn hóa lớn thì chốt tuần tăng nhẹ với BSR (+4,8%), OIL (+2,9%), PLX (+2%), GAS (+0,4%).

Nếu xét trong 1 tháng trở lại đây, nhiều mã dầu khí ghi nhận mức tăng trên 2 chữ số như NSH (+45,5%), PVT (+46,2%), PVP (+46,7%), BSR (+34,2%)…

Biến động giá cổ phiếu tích cực thường sẽ phản ánh triển vọng lĩnh vực và/hoặc niềm tin của nhà đầu tư.

Bức tranh kinh doanh trái chiều giữa các nhóm dầu khí

Với bối cảnh thị trường dầu thô toàn cầu thắt chặt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng đó, giá dầu Brent đã được đẩy chạm mức cao kỷ lục kể từ năm 2008 là 139,13 USD/thùng vào tháng 3. Giá dầu Brent hạ nhiệt dần về cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao nhất trong 8 năm qua (trên 90 USD/thùng).

Các doanh nghiệp dầu khí được chia làm 3 loại: Thượng nguồn (bao gồm toàn bộ các hoạt động tìm ếm thăm dò, khai thác); trung nguồn (vận chuyển, tàng trữ và phân phối dầu, khí); hạ nguồn (chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh, phân phối đến khách hàng). Do đó, mức ảnh hưởng của việc giá dầu tăng với mỗi nhóm này sẽ có sự khác nhau.

Có thể thấy, dù giá dầu tăng mạnh trong năm 2022 như đã đề cập, nhưng nhóm thượng nguồn gồm Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) và Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HSX: PVD) lại ghi nhận KQKD không mấy tích cực.

Cụ thể, PVD ghi nhận quý III/2022 lỗ 51 tỷ đồng; qua đó nâng lỗ 9 tháng năm 2022 lên 201,66 tỷ đồng. Trong khi đó, PVS quý III/2022 ghi nhận lãi 193 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi 9 tháng năm 2022 của PVS cũng giảm 21,2% xuống 453,6 tỷ đồng.

Tương tự, 2022 được coi là năm đầy thách thức đối với các "downstream" (phân phối xăng dầu) do thị trường trong nước có nhiều bất ổn. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Do đó, một số nhà phân phối lớn phải tăng nguồn hàng nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến KQKD của công ty.

Ngoại trừ duy nhất PLX lãi quý III/2022 190 tỷ đồng (+137%), thì nhóm còn lại đồng loạt lỗ hoặc lãi suy giảm trong kỳ, như: OIL lỗ 373,4 tỷ đồng; COM lỗ 7,7 tỷ đồng; TLP lỗ 168 tỷ đồng; NSH lãi 762 triệu đồng, giảm gần 82%; BSR lãi 455 tỷ đồng, tương đương giảm nhẹ 3,32%.

Xét trong 9 tháng năm 2022, không doanh nghiệp hạ nguồn nào ghi nhận lãi tăng trưởng so với cùng kỳ, ngoại trừ BSR lãi gần 13.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần.

Cổ phiếu dầu khí: ‘Vàng đen’ trong thị trường nhiều biến động - Ảnh 1.

Nhóm trung nguồn có sự tích cực hơn hẳn. Ngoài PDV (lãi giảm 49%), các doanh nghiệp còn lại đều công bố KQKD tăng trưởng tốt, như: GAS lãi 3.089 tỷ đồng (+25,42%); PVT 386 tỷ đồng (+152,3%); PVP 176,3 tỷ đồng (+371,4%).

Cổ phiếu dầu khí: ‘Vàng đen’ trong thị trường nhiều biến động - Ảnh 2.

Triển vọng nhóm dầu khí năm 2023

Trong năm 2023, VnDirect nhận định ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. Về cơ bản, VnDirect kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.

Đối với nhóm thượng nguồn, VnDirect kỳ vọng Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11 sẽ là khung pháp lý tổng quát cho ngành Dầu khí, giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí, giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Ngoài ra, tiềm năng nhóm thượng nguồn còn đến từ một số dự án quy mô nhỏ. Theo đó, VnDirect nhìn nhận dù có điều kiện thuận lợi nhờ giá dầu tăng mạnh trong năm 2022, nhưng có rất ít tiến triển đáng kể tại các dự án mỏ khí lớn do sự chậm trễ trong các giai đoạn khác nhau liên quan đến việc thu xếp vốn và hoàn tất các đàm phán thương mại.

Trong khi đó, các dự án khác liên quan đến phát triển các mỏ hiện hữu như dự án mở rộng mỏ dầu Bạch Hổ, dự án khai thác mỏ dầu Kình Ngư Trắng (Lô 09-2/09) đã được phê duyệt trong vài tháng qua, được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần cho sự cạn kiệt sản lượng của các mỏ lâu năm. Nhờ mặt bằng giá dầu cao và có thể kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài khơi sẵn có, VnDirect tin rằng các dự án này sẽ sớm được triển khai, cung cấp cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà cung cấp dịch vụ khoan và nhà thầu EPC.

Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng trung bình khoảng 70 tỷ USD đầu tư thượng nguồn sẽ được chi mỗi năm cho đến năm 2030 để đảm bảo cân bằng cung và cầu trên thị trường dầu thô, cao hơn 50% so với khoản đầu tư trong những năm gần đây. Đây sẽ là bệ đỡ để thị trường khoan tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.

Với trung nguồn, VnDirect nhận thấy nhu cầu vận tải dầu khí trong thị trường nội địa sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc BSR và Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất (ngoại trừ BSR vào năm 2023 do đợt bảo dưỡng định kỳ) và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước COVID-19 kể từ năm 2022, là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải dầu khí.

"Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí của Việt Nam với sự đóng góp ổn định vào KQKD của các công ty (nhờ cơ chế giá cước thuê tàu hiện tại đảm bảo một mức biên lợi nhuận gộp ổn định cho doanh nghiệp vận tải)", VnDirect phân tích.

Còn với nhóm hạ nguồn (đặc biệt các doanh nghiệp lớn), VnDirect kỳ vọng tiềm năng phục hồi mạnh từ mức nền thấp năm 2022 bởi một số lý do như: Giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022; Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với NSR; Các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11; Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5% trong giai đoạn 2022-2030, là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới.

Ảnh hưởng trái chiều của lãi suất và tỷ giá với nhóm dầu khí niêm yết

Tác động trái chiều của môi trường lãi suất tăng lên các doanh nghiệp niêm yết phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Theo đó, đối với các doanh nghiệp có số dư tiền mặt ròng dồi dào và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thấp, VnDirect cho rằng môi trường lãi suất tăng có thể sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp này trong ngắn hạn, hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Mức độ ảnh hưởng của đà tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng đóng góp của thu nhập lãi thuần vào kết quả kinh doanh của công ty.

Còn về rủi ro tỷ giá, vì hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp dầu khí đều được tính theo đồng USD, doanh thu của các đơn vị này sẽ tăng cùng chiều với đồng USD. Điều này có thể bù đắp cho các khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay nợ bằng USD cho vốn lưu động. Bên cạnh đó, các công ty có tỷ trọng nợ vay USD cao như sẽ gặp rủi ro lỗ tỷ giá cao hơn các doanh nghiệp khác khi đồng USD tăng giá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm