Thời sự

IMF dự báo tăng trưởng 2023 chỉ 5,8%, khuyến nghị Việt Nam cân nhắc kỹ trong việc sửa Nghị định 65

Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam được định hình bởi ba cơn gió ngược lớn như đại diện UNDP đã cho biết. Đó là, tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lãi suất tăng.

Năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7-7,5%, một trong những quốc gia tăng trưởng tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trước những tác động bên ngoài của năm 2023, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 5,8%, lạm phát gia tăng so với năm nay.

Ông Francois Painchaud lý giải nguyên nhân khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng 2023 của Việt Nam thứ nhất là do “ba cơn gió ngược” tác động mạnh mẽ như đã chia sẻ đòi hỏi chính sách tiền tệ cần thắt chặt hơn.

Rủi ro thứ hai là sự suy giảm chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng. Cần điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định tài chính.

“Mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã cải thiện song vẫn có những rủi ro suy giảm tăng trưởng cũng như căng thẳng liên quan đến khu vực bất động sản, rủi ro về ổn định tài chính”, ông Francois Painchaud.

Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Do đó, chuyên gia từ IMF khuyến nghị, Việt Nam cần hết sức khéo léo trong cân bằng giữa chính sách thắt chặt tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng. Các chính sách tài khoá cần đảm bảo linh hoạt và có trọng tâm mục tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Phải có cơ chế để điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp, thực hiện các giải pháp về thuế, thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc đảm bảo ổn định hệ thống tài chính cần được ưu tiên, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam khuyến nghị.

Bên cạnh đó, ông Francois Painchaud cũng cho rằng, những cải cách về mặt cơ cấu cần phải được thực hiện một cách chính xác.

Sửa Nghị định 65 lại mâu thuẫn với những điểm then chốt khác

Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, IMF khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi Nghị định 65 theo hướng sửa đổi là để phù hợp mục tiêu tổng thể, đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn huy động từ tái phiếu. Tuy nhiên, vẫn cần quản lý những rủi ro tài chính tổng thể, xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phù hợp.

Ông Francois Painchaud chỉ ra rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 vừa được Bộ Tài chính vừa đưa ra tập trung vào trì hoãn ba đặc điểm chính của Nghị định 65 thêm một năm tập trung vào giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, linh hoạt trong việc đảm bảo thanh toán cho các đợt phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, đại diện IMF nhấn mạnh rằng, điều này giải quyết được những mối quan ngại của các bên phát hành nhưng đồng thời lại mâu thuẫn với những điểm then chốt khác như: Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.

Những điểm sửa đổi chính trong dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu mà Bộ Tài chính vừa đưa ra gồm: Giãn thời gian áp dụng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 1 năm, tức áp dụng từ 1/1/2024 mới có hiệu lực, thay vì 16/9/2022;

Giãn thời gian “yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc” thêm 1 năm, từ 16/9/2022 sang 1/1/2024 hiệu lực;

Dời thời điểm áp dụng về “thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin”, từ 16/9/2022 sang 1/1/2024.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được gia hạn thêm thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm