Việc ông Nguyễn Xuân Ký - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - được tiếp nhận làm giảng viên tại Trường Quản trị và Kinh doanh HSB thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) gây ra nhiều tranh cãi. Một số ý kiến chỉ trích nặng nề, cho rằng một người từng bị kỷ luật cảnh cáo vì những vi phạm trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo không thể đảm nhận vai trò giảng viên.
Tôi cho rằng những ý kiến này có phần xét nét, hẹp hòi và thiếu cái nhìn tiến bộ. Chúng ta cần có cái nhìn cởi mở hơn đối với trường hợp của ông Ký, cần tạo cơ hội cho những người từng vi phạm để họ tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Các ý kiến phản ứng tiêu cực với việc ông Nguyễn Xuân Ký được mời làm giảng viên thường tập trung vào khía cạnh đạo đức, cho rằng việc để ông đứng lớp sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và chất lượng giáo dục, vì công việc giảng viên đòi hỏi uy tín và phẩm chất đạo đức. Nhìn nhận như vậy là không xem xét toàn diện bối cảnh, năng lực chuyên môn của ông Ký cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Thứ nhất, ông Nguyễn Xuân Ký đã chịu mức kỷ luật cảnh cáo theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. Điều này có nghĩa là ông đã chịu trách nhiệm và giả giá cho những vi phạm, khuyết điểm của mình. Kỷ luật không phải là hình phạt nhằm tước bỏ hoàn toàn quyền tham gia các hoạt động xã hội của một cá nhân, mà là biện pháp để sửa chữa, răn đe và giúp họ cải thiện. Việc tiếp tục đào bới quá khứ của ông Ký để chỉ trích là không cần thiết và thiếu tinh thần nhân văn.

Ông Nguyễn Xuân Ký – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. (Ảnh: TTTĐ)
Thứ hai, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào cấm người từng bị kỷ luật tham gia các công việc chuyên môn thuần túy như giảng dạy. Vai trò giảng viên tại HSB của ông Ký tập trung vào lĩnh vực quản trị kinh doanh – một lĩnh vực mà ông có thể đóng góp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. Việc ngăn cản ông tham gia giảng dạy với lý do bị kỷ luật là cách áp đặt chủ quan, không dựa trên cơ sở pháp lý.
Thứ ba, với kinh nghiệm từng đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo cấp cao, ông Ký có thể mang lại nhiều giá trị cho sinh viên và nhà trường. Là người từng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng, ông Ký có thể chia sẻ những bài học thực tế về quản trị, lãnh đạo và ra quyết định trong môi trường phức tạp.
Kinh nghiệm ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy giúp ông có cái nhìn tổng quan về quản lý tổ chức, điều mà sinh viên ngành Quản trị kinh doanh rất cần. Ngoài ra, những trải nghiệm cá nhân của ông, bao gồm cả việc đối mặt với kỷ luật, có thể truyền cảm hứng cho sinh viên về cách học hỏi từ sai lầm và vươn lên.
Nếu ông Ký tập trung vào việc giảng dạy chuyên môn, những đóng góp của ông hoàn toàn có thể mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên và củng cố uy tín của HSB.
Trong xã hội văn minh, việc đánh giá một con người không nên chỉ dựa trên sai lầm trong quá khứ, mà cần nhìn vào khả năng sửa chữa và cống hiến của họ. Những người từng bị kỷ luật, thậm chí chịu án tù, sau khi chấp hành hình phạt, cần được xã hội giang tay đón nhận.
Điều này không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn mà còn mang lại lợi ích chung. Những cá nhân có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm phong phú như ông Ký hoàn toàn có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội nếu được trao cơ hội.
Một ví dụ điển hình là trường hợp TS Nguyễn Quang Tuấn - một trong những chuyên gia phẫu thuật tim mạch hàng đầu Việt Nam. Dù từng vướng lao lý, ông Tuấn vẫn được tạo điều kiện để tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực y tế.
Xã hội văn minh cần biết tha thứ, tạo cơ hội cho những người từng sai lầm để họ tiếp tục cống hiến. Thay vì xét nét, chúng ta nên hướng tới việc xây dựng môi trường khuyến khích sự sửa chữa và phát triển, từ đó tạo ra giá trị bền vững cho cả cá nhân và cộng đồng.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.